Hãy vững tin ở hậu phương
(Cadn.com.vn) - Khi lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đang ngày đêm canh giữ lãnh hải của đất nước, thì ở hậu phương, hàng triệu trái tim Việt luôn hướng về họ, ở đó có cả những người vợ, người mẹ dõi mắt chờ tin...
Tàu Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ. |
Sáng 13-5, khi thông tin tàu hải giám và hải quân Trung Quốc tiếp tục tấn công, phun vòi rồng vào lực lượng Cảnh sát biển (CSB) và Kiểm ngư Việt Nam được truyền đi, giống như triệu người Việt Nam, chị Võ Thị Xuyến (nhà công vụ Vùng 3 Hải quân tại Đà Nẵng) rất căm phẫn. Dù bồn chồn lo lắng thường tình như bao người vợ khác có chồng nơi đầu sóng ngọn gió, song chị trào dâng niềm tự hào vì chồng chị- Trung úy Cảnh sát biển Thái Sang Hiệp- đang có mặt nơi ấy. "Nghe tin tức thời sự em cũng lo nhưng mà quen rồi. Hôm trước sau khi tàu sửa vừa xong, anh ấy lại ra khơi làm nhiệm vụ", chị Xuyến chân thực.
Trung úy Hiệp làm nhiệm vụ trên tàu CSB 4033, chiếc tàu bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng, phải vào cảng Đà Nẵng sửa chữa vừa qua. Dù trở về đất liền nhưng chẳng mấy khi người sĩ quan ấy có mặt ở nhà, nhiều lúc chỉ ghé vào thăm vợ con một lúc lại đi ngay. Cưới nhau được hơn 11 năm, nên chị Xuyến đã quen rồi với những chuyện như thế. Chị kể, lúc mới cưới cũng tủi, bởi chồng cứ đi biền biệt, có khi hai ba tháng trời trên biển mà chẳng có tin tức gì, mọi chuyện trong nhà chỉ có mình chị lo. Con trai lớn của vợ chồng anh Hiệp năm nay vào học lớp một, đứa thứ hai chỉ tròn 6 tháng tuổi, nên chị Xuyến chăm lo tất cả. Nhiều lúc nhớ ba, con trai đang ngồi chơi bỗng òa khóc, hỏi vì sao, nó bảo "con nhớ ba". Những lúc như thế chị Xuyến chỉ biết giấu nước mắt vào trong. "Lúc em sinh đứa thứ hai chưa được 3 ngày thì anh nhận lệnh ra biển làm nhiệm vụ. Buồn, nhưng đó là nhiệm vụ nên em động viên anh lên đường. Làm vợ lính biển thì phải thế, lo chu toàn mọi việc ở nhà để anh yên tâm làm nhiệm vụ. Vừa rồi con trai về kể, trên lớp học các bạn ghen tị vì nó có ba làm cảnh sát biển, bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Con nít đúng là...", chị Xuyến cười hiền, ánh mắt của chị không giấu được niềm tự hào về người chồng của mình.
Bà Nguyễn Thị Đài, người mẹ của ba chiến sĩ đang có mặt tại vùng biển Hoàng Sa. |
Chị Võ Thị Xuyến tự hào khi kể về người chồng Cảnh sát biển. |
Tương tự, những ngày qua, căn nhà nhỏ của chị Võ Thị Nghĩa ở Thọ Quang (Q. Sơn Trà) luôn tấp nập người đến thăm hỏi về tình hình biển đảo, bởi chồng chị- Trung úy Cảnh sát biển Nguyễn Văn Ngọc- đang có mặt tại điểm nóng Hoàng Sa. Ôm đứa con gái nhỏ mới vừa 8 tháng tuổi vào lòng, chị Nghĩa kể, những ngày qua rất vui bởi có nhiều bà con xóm giềng đến hỏi thăm, tặng quà. Điều đó như tiếp thêm sức mạnh và chia sẻ phần nào nỗi lo trong lòng chị. Cũng giống như chị Xuyến, lấy chồng lính biển nên chị Nghĩa chẳng được ở bên cạnh chồng thường xuyên. "Có khi giận dỗi, tôi hỏi với anh tàu là nhà, biển cả là quê hương, thế hai mẹ con em thì sao? Hỏi vậy thôi chứ đâu mong câu trả lời, bởi biết đó là lính biển, phải có mặt trên biển", chị Nghĩa cười.
Khi được hỏi khi thấy tàu Trung Quốc đâm vào tàu của chồng chị có âu lo không, chị Nghĩa thẳng thắn: "Em lo nhưng chẳng sợ. Gia đình em có tàu đánh cá nên gặp chuyện này thường xuyên. Vả lại, chồng em đang làm nhiệm vụ trên vùng biển của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền chính đáng của đất nước. Mình có chính nghĩa thì chẳng sợ gì". Tiếp lời con dâu, bà Nguyễn Thị Đài cũng khảng khái nói rằng, được tham gia bảo vệ biển đảo Tổ quốc là niềm tự hào của các con và gia đình. Bởi ngoài trung úy Ngọc, hai con bà là Nguyễn Văn Viên công tác trên tàu kiểm ngư 761 và người con trai út Nguyễn Văn Tú công tác trên tàu CSB 2014. Bà Đài kể, từ khi Trung Quốc gây căng thẳng trên biển, bà ít liên lạc được với các con, nhưng tin chắc rằng con mình vẫn đang "kiên định lập trường".
Để con yên tâm công tác, từ miền quê Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bà lặn lội vào Đà Nẵng chăm sóc cháu, bởi bà luôn biết rằng, hậu phương vững chắc sẽ củng cố tinh thần chiến đấu của những người thân của mình trên biển. "Các con tôi đều có mặt ở thực địa để đấu tranh. Biết là hiểm nguy, gian khổ nhưng lúc nào tôi cũng động viên các con lên đường làm nhiệm vụ. Vì đó là chủ quyền đất nước, phải cương quyết tranh đấu đến cùng", bà Đài quả quyết.
Cuộc đấu tranh ngăn chặn những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa của đất nước dự báo còn phức tạp. Hiểu điều đó nên chị Xuyến, chị Nghĩa, bà Đài và hàng triệu trái tim Việt vẫn luôn là hậu phương vững chắc, để những người lính vững tâm bám biển, cương quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Hoàng Anh