HĐND Đà Nẵng và Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình Chính quyền đô thị
Cụ thể, mô hình CQĐT của Đà Nẵng có những đặc điểm lớn như không tổ chức HĐND cấp quận, phường; UBND quận, phường là cấp dự toán ngân sách và hoạt động theo chế độ thủ trưởng; Chủ tịch UBND quận, phường sẽ quyết định, sẽ đối thoại với người dân, chủ động quyết định ngay các vấn đề trong thẩm quyền. Do đặc thù quy mô đô thị, điều kiện khác biệt, do đó mô hình CQĐT của Hà Nội cũng có một số điểm khác biệt. Tuy nhiên, cả hai địa phương đều thống nhất một số ưu điểm khi thực hiện mô hình CQĐT, như tiết giảm kinh phí, nhân lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường trách nhiệm của chủ tịch quận, phường (do cơ chế thủ trưởng, tự quyết). Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, sau khi thực hiện mô hình CQĐT tiết giảm mỗi năm khoảng 40 tỷ đồng; phân cấp 16/18 nội dung, ủy quyền 73 nội dung, UBND TP được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C; các khoản thu từ địa bàn phường đều được chuyển về đầu mối UBND TP quản lý… Tuy vậy, việc triển khai mô hình CQĐT cũng tồn tại nhiều hạn chế, như nhiệm vụ dồn lên HĐND TP (giảm 215 đại biểu HĐND quận, 1.275 đại biểu phường và dồn nhiệm vụ, tập trung cho 52 đại biểu HĐND TP) do đó dẫn tới tiếp xúc của cử tri với đại biểu ít hơn, việc giám sát cũng hạn chế hơn. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình CQĐT, quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách nên không chủ động chi ngân sách thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ đặc thù của địa phương. Quá trình xin dự toán ngân sách từ cấp phường lên phải qua 6 cửa mới có ngân sách chi thực hiện các nhiệm vụ, rất tốn thời gian, không chủ động trong xử lý công việc.
HẢI QUỲNH