Hé lộ những dấu hiệu trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội (Kỳ 1: Muôn kiểu trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội)

Thứ tư, 29/12/2021 07:33

Thời gian qua, nhà nước đã có nhiều chính sách để tạo điều kiện cho người lao động được hưởng những khoản chế độ, trợ cấp… thông qua việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở của chính sách, nhiều công ty, doanh nghiệp không chịu đóng các chế độ BHXH cho người lao động; hoặc nhiều đơn vị chỉ đóng BHXH cho một số đối tượng chỉ để hưởng chế độ thai sản, tai nạn lao động…, đây được xem là hành vi trục lợi quỹ BHXH.

Một số công ty có những dấu hiệu trục lợi quỹ BHXH.

Theo quy định của Luật BHXH, người lao động có thời gian đóng BHXH từ 6 tháng trở lên mới được hưởng chế độ thai sản. Đối với những trường hợp đã đóng BHXH qua 6 tháng vẫn tiếp tục được hưởng lương và các chính sách sau đó thì không có vấn đề gì. Nhưng có những trường hợp gửi tên vô công ty, doanh nghiệp đóng BHXH đủ 6 tháng để được hưởng thai sản. Hoặc có những trường hợp là nhân viên của công ty, nhưng khi biết mình đang mang thai thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động điều chỉnh mức lương lên gấp nhiều lần nhằm hưởng chế độ thai sản cao. Đặc biệt, trước những kẽ hở trên của pháp luật, nhiều đối tượng còn thành lập cả công ty “bầu” nhằm trục lợi tiền thai sản. Cụ thể, những công ty này chuyên “tuyển lao động” là những người đang mang bầu để lấy tiền phần trăm trên chế độ thai sản…

Nằm sâu trong con hẻm cụt của thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), Cty TNHH Xây dựng Thương mại và dịch vụ JT chỉ có 4 lao động đóng BHXH thì có 3 nhân viên nữ. Điều đáng nói, cả 3 nhân viên nữ này đều đóng BHXH chỉ đủ để hưởng chế độ thai sản. Hy hữu hơn là trường hợp xảy ra tại Công ty Cổ phần Hàng không Q.N. Công ty này chỉ có một lao động kiêm giám đốc là bà Trần Thị Anh T. Trong 3 lần phát hiện mình có thai, vị nữ giám đốc này đã nâng lương của mình lên gấp đôi để được hưởng chế độ thai sản.

Cụ thể, bà T. có tổng thời gian tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đến tháng 9-2021 là 16 năm 10 tháng. Từ tháng 10-2012 đến tháng 3-2012, mức lương của người này chỉ 1,7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên từ  tháng 4 đến tháng 9-2012, mức lương được nâng lên 4,5 triệu đồng/tháng. Đến tháng 10-2012 bà T. nghỉ thai sản. Lần thứ hai, từ tháng 2-2013 đến tháng 10-2013, mức lương của bà T. là 4,5 triệu đồng. Nhưng từ tháng 11 đến tháng 4-2014, bà T. “được” nâng lương lên đến mức 10,5 triệu đồng. Đến tháng 5-2014, bà T. nghỉ thai sản. Mới đây, tháng 9-2021, bà T. lại “bất ngờ” đăng ký đóng BHXH để được điều chỉnh nâng lương với mức 9,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, một số trường hợp đang làm việc ở đơn vị T. nhưng lại đóng BHXH ở công ty C. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Tr. (1994, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam), trong thời gian từ ngày 21-12-2020 đến ngày 31-5-2021, bà Tr. tham gia giảng dạy hợp đồng thỉnh giảng tại một trường THCS ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) nhưng từ tháng 1 đến tháng 6-2021, bà Tr. lại “được” đóng BHXH tại Công ty TNHH MTV Yến Sào Cù Lao (H. Duy Xuyên, Quảng Nam), đến tháng 7-2021 thì bà Tr. sinh con.  Hoặc trường hợp bà Lê Thị H. (trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) nhưng lại đóng BHXH ở 2 công ty tận Nghệ An trong thời gian mình mang thai 7 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9-2020). Sau khi đóng BHXH 7 tháng ở 2 công ty này, đến tháng 10-2020 thì bà H. nghỉ sinh. Tháng 11-2020 bà H. nhận tiền trợ cấp chế độ thai sản được gần 27 triệu đồng. Sau khi hưởng chế độ thai sản thì bà H. dừng tham gia BHXH bắt buộc…

Nếu một người đóng BHXH trong thời gian mang thai, sau đó họ vẫn tiếp tục đóng theo đúng quy định thì không có gì để nói. Thế nhưng đối với những trường hợp trên, đa số người lao động đóng BHXH đủ thời gian để hưởng chế độ thai sản. Do vậy đây là những dấu hiệu bất thường cần được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

(còn nữa)

 BÃO BÌNH