Hé lộ phút chào đời của những “bé” sơ sinh nửa.. tạ tại công viên hoang dã lớn nhất Việt Nam

Thứ tư, 01/09/2021 16:49

Chỉ trong 2 “năm Covid” gần đây, Vinpearl Safari tại Phú Quốc đã trở thành “thiên đường xanh” của các loài động vật quý hiếm khi đã khai sinh cho khoảng… 500 “em bé” các loài, như Sư tử Châu Phi, Hổ Bengal, Hươu cao cổ, tê giác, linh dương sừng mác… Thời khắc hạnh phúc chính là khi cùng những cá thể thú non giành sự sống trong cuộc chiến sinh tồn tự nhiên đầu đời. Trong đó, những ca “đỡ đẻ” ấn tượng nhất là phút chào đời của các “bé” sơ sinh nặng tới hơn 50kg…

4 tiếng giành sự sống của chú hươu cao cổ dũng cảm

Ngắm nhìn những thành viên mới trong đại gia đình hươu cao cổ tại Vinpearl Safari Phú Quốc, anh Danh Si Nonl (Bộ phận chăm sóc động vật) cười rằng, mỗi bạn nhỏ là một kỉ niệm trong đó có những "cuộc chiến" đặc biệt khó quên.

 

Si Nonl vẫn nhớ một trưa nắng cách đây ít lâu, hươu mẹ trong đàn có biểu hiện chuyển dạ. Chỉ một chốc, hai chân của hươu con đã dần xuất hiện nhưng trớ trêu là chúng không vắt chéo nhau ôm lấy phần đầu như thường lệ. Tất cả mọi người khi đó đều hiểu sẽ phải đối mặt với một ca sinh khó hiếm gặp.

Sau 4 tiếng bị mắc kẹt, đôi chân nhỏ vẫn chưa thể thoát ra. Tất cả đã vượt quá giới hạn của một ca sinh nở bình thường. Nếu không can thiệp, chú hươu nhỏ tội nghiệp có thể mãi mãi không nhìn thấy ánh sáng. Những biện pháp không mong muốn nhất, thậm chí đã được tính tới. Thế nhưng, để đảm bảo sức khỏe của cả hai mẹ con, ưu tiên hàng đầu vẫn là nhanh chóng kéo được hươu con ra, một cách tự nhiên.

Hình thể “cao kều” của hươu cao cổ cũng là một trở ngại khi gặp ca sinh khó.

Lòng như lửa đốt, Si Nonl, người gần gũi với hươu mẹ nhất, xung phong tiến gần, vừa vỗ về, vừa mát xa nhẹ vùng bụng. May mắn là người mẹ đang cáu kỉnh dần bình tĩnh lại. "1 mình tôi không sao kéo được. Phải 3 anh em cùng kéo chân, dùng hết sức bình sinh, lôi 1 lần. Hươu con trôi ra ngoài, cùng với nước ối vỡ phủ đầy mặt mũi mấy anh em nhưng hạnh phúc thì vỡ òa khi thấy bé hươu cựa quậy. Vậy là sống rồi. Mà bé hươu lúc vừa sinh ra cũng đã nặng tới… 60kg nên chăm sóc bé sơ sinh vô cùng vất vả.", Danh Si Nonl nhớ lại.

Hươu cao cổ con chào đời đã sở hữu bề ngoài cao kều đặc trưng.

Mọi người sau đó túc trực tại chuồng bởi với những ca sinh khó, hươu con chưa chắc có thể đứng dậy, với tới bầu sữa mẹ. Tới gần 8h tối, mọi gánh nặng dần trút xuống khi những bước chân xiêu vẹo đầu tiên xuất hiện. Chú hươu dũng cảm đã rướn người, rít được những dòng sữa ấm áp đầu tiên. Tới rạng sáng hôm sau, chú hươu nhỏ có sức sống mãnh liệt đã vung chân chạy khắp sân. Mấy anh em phờ phạc nhìn nhau cười sau đêm trắng, thống nhất đặt tên là Hero - giống như hành trình dũng cảm để đến với cuộc sống của chính chú bé.

 

Và giờ đây, chỉ vài tháng sau ca sinh nở khó khăn, chú hươu bé nhỏ ngày nào giờ đã lớn phổng, cao tới 2,5m, ngốn 1 ngày gần chục cân lá mít và me keo.

Thế hệ hươu cao cổ “Gen V” đều được khai sinh ở Vinpearl Safari.

Ngoài Hero, các ca sinh đều vô cùng thuận lợi bởi tất cả điều kiện tự nhiên tốt nhất, phù hợp với tập tính của loài hươu đã được chuẩn bị kĩ lưỡng tại Vinpearl Safari Phú Quốc. Đặc biệt, nửa tháng trước sinh, hươu mẹ được bố trí một khu vực riêng nhưng vẫn đảm bảo môi trường tự nhiên, vừa rộng rãi để vận động nhưng vẫn có thể quan sát được cả đàn, tránh tạo tâm lí căng thẳng cho mẹ hươu. Những lớp rơm khô cẩn thận được phủ lên để tránh tránh trơn trượt, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Nhờ môi trường tự nhiên lí tưởng và chế độ chăm sóc chuẩn mực tại Vinpearl Safari Phú Quốc, riêng từ cuối năm 2020 đến nay, đàn hươu cao cổ đã có thêm 8 thành viên mới.

Hành trình tìm gia đình của "Sữa"

Nói về những giây phút khó quên, với anh Danh Thuận Phát (Bộ phận chăm sóc động vật), đó là một buổi tối đầu năm nay, Phát thở phào chứng kiến màn sinh nở “mẹ tròn con vuông” chỉ chưa đầy nửa tiếng của tê giác mẹ. Thế nhưng, sau một vài lần liếm con, bà mẹ mới sinh bất ngờ dụi thật mạnh vào đứa con bé bỏng sơ sinh. Ban đầu là những cái húc vụng về, rồi liên tiếp sau đó là 2-3 cú đánh trời giáng. Phát vùng dậy khỏi chỗ nấp, tạo tiếng động đánh lạc hướng của người mẹ trẻ, rồi nhanh chân chốt cửa, bảo vệ tê giác “nhí” nặng gần 50kg vừa ra đời.

"Thường thì tê giác sẽ liếm con rồi hẩy nhẹ để con đứng dậy. Nhưng tê giác mẹ có vẻ đã mất bình tĩnh khi lần đầu làm mẹ", Phát nhớ lại.

8 tiếng sau khi ra đời, tê giác con đã đói run rẩy. Không còn cách nào khác, Phát và mọi người phải vác bình sữa sang chỗ một bà mẹ tê giác vừa sinh khác, dỗ dành, xin… vắt nhờ được 2 lít sữa. Cậu bé sơ sinh không quen với bình, lắc đầu quầy quậy. Phát và 1 bạn khác, người thì ôm ấp vỗ về, người thì cầm bình sữa cố đặt vào miệng tê giác con. Toát mồ hôi, "cậu bé" có sức khỏe bằng 2 người lớn mới chịu uống dòng sữa đầu tiên trước sự vui mừng của mọi người.

 

Sau lần ấy, tê giác con bỗng… mê bình, giống hệt cái tên "Sữa" mọi người đặt cho cậu. 2 tuần liền, mọi người thay nhau đi xin sữa, vừa kết hợp pha sữa bột để lấp đầy cái bụng tròn cậu bé. Thế nhưng, để đảm bảo cuộc sống tự nhiên nhất cho tê giác con, bộ phận chăm sóc phải tính cách ghép đàn cho cậu bé mới sinh. Giây phút hồi hộp nhất là khi thả Sữa vào đàn mới. Chàng trai cứ thế lẽo đẽo chạy theo bà mẹ của người anh Ura cho tới khi gia đình tê giác nọ chịu chấp nhận thành viên mới.

 

Chứng kiến thời khắc ấy, tất cả đều xúc động vì bé tê giác nhỏ đã tìm được gia đình mới. Ngay sau "Sữa", tháng 3/2021, cô em Bibo có chung tình cảnh cũng được bộ phận chăm sóc ghép đàn. May mắn là bà mẹ tốt bụng của Ura đã chấp nhận "1 nách 3 con". Đây cũng là 2 trường hợp hiếm hoi tê giác con sinh ra được ghép đàn sớm thành công dù không được mẹ tê giác chăm sóc. Điều khó khăn nhất là với cá thể lạ, đàn tê giác cũ thường sẽ đánh đuổi, thậm chí nổi điên… cuối cùng đã không xảy ra với Sữa và Bibo.

 

Không chỉ ghép đàn, ngay cả việc sinh nở của tê giác cũng đòi hỏi điều kiện cực kì khắt khe. Bởi thế, trong nhiều năm, số lượng tê giác ra đời tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cách duy nhất là tạo được một môi trường gần giống với tự nhiên nhất, đáp ứng được thuộc tính giống loài, giống như cách mà Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật hoang dã lớn hàng đầu khu vực đã kì công kiến tạo. Yêu cầu đầu tiên là một nơi sống đủ rộng để cả đàn được vận động. Để tạo sự tự nhiên, "tiện nghi" dành cho tê giác phải có nơi tắm bùn, có nơi "gãi lưng" với những thân cây to, hòn đá tảng. Ngay cả những chi tiết nhỏ nhất từ việc tính toán lãnh thổ các loài sống bên cạnh hay chỗ nghỉ ngơi, như bóng mát, cây cối, nhà trú cũng được sắp xếp tỉ mỉ.



 

Nhờ điều kiện sinh sống lý tưởng, từ năm 2019 đến nay, Vinpearl Safari Phú Quốc đã liên tiếp chào đón tới 7 thành viên tê giác mới, nâng tổng số cá thể lên 31.

Không chỉ tê giác hay hươu cao cổ, hàng trăm cá thể thú non khác đang tiếp tục được mang “hộ chiếu” Phú Quốc, từ hổ bengal, sư tử châu Phi, báo tới chồn đất, linh dương, vượn cáo, Khỉ...- điều mà rất hiếm vườn thú nào có thể làm được. “Thiên đường xanh” của hàng nghìn động vật hoang dã đang ngày một “lớn dần” cả về qui mô lẫn tầm vóc, cách thức chăm sóc và bảo tồn ngang tầm các vườn thú danh tiếng trên thế giới.

Tháng 11/2019, Vinpearl Safari là vườn thú đầu tiên tại Việt Nam vinh dự nhận chứng chỉ về đảm bảo điều kiện phúc trạng động vật của Hiệp Hội Vườn thú Đông Nam Á - SEAZA Welfare Cercitification. Để đạt được chứng chỉ này, các vườn thú tuân thủ quá trình đánh giá nghiêm ngặt của SEAZA theo khung tiêu chuẩn được xây dựng theo các chuẩn mực phúc trạng động vật khắt khe của Hiệp hội Vườn thú Thế giới - WAZA. Các tiêu chuẩn phúc trạng động vật SEAZA sẽ liên tục được cập nhật và nâng cao nhằm đảm bảo điều kiện sinh sống tốt nhất cho các loài động vật hoang dã tại các công viên chăm sóc bảo tồn và vườn thú trong khu vực và trên thế giới.

Vinpearl Safari cũng là công viên bảo tồn và chăm sóc động vật hoang dã đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Vườn thú Thế giới - WAZA, nâng cao phạm vi hoạt động, tầm ảnh hưởng và sự cam kết cộng đồng trong sứ mệnh cứu hộ, bảo tồn và chăm sóc, nâng cao phúc trạng động vật hoang dã ở cấp độ toàn cầu.