Hệ lụy từ việc đấu giá để phá thầu ở các mỏ vật liệu xây dựng
Liên quan đến việc mỏ cát 1,2 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp đấu giá đến 370 tỷ đồng, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Quảng Nam với các sở, ngành và doanh nghiệp khoáng sản trên địa bàn vào ngày 25-5, Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cho biết, đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về đấu giá.

Đấu để phá giá?
Theo Đại tá Nguyễn Hà Lai, Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ, đề nghị khởi tố các bị can liên quan do vi phạm các quy định về đấu giá. "Hiện nay lực lượng Công an đang vào cuộc, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản vật liệu xây dựng. Đồng thời, Công an sẽ xem xét các vụ đấu giá, nếu có dấu hiệu lũng đoạn, thông đồng để làm giá thì xử lý nghiêm"- Đại tá Nguyễn Hà Lai nói.
Cũng theo lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam, thời gian tới, ngoài kiểm soát việc khai thác cát, Công an sẽ theo dõi để phát hiện, xử lý tình trạng vận chuyển vật liệu trái phép. Các xe vận chuyển cát sỏi trên đường đều được CSGT kiểm tra, nếu không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ xử lý theo quy định. Việc này nhằm kiểm soát đầu vào và đầu ra đối với vật liệu khoáng sản. Do đó, đề nghị các doanh nghiệp tham gia khai thác, vận chuyển khoáng sản phải tuân thủ quy định pháp luật.
Liên quan đến vụ án này, trước đó ngày 18-10-2024, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn, Công ty đấu giá Hợp Danh Hòa Thuận tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn). Điểm mỏ này có diện tích 6,04ha với trữ lượng theo kế hoạch được phê duyệt là 159.000m3. Giá khởi điểm đưa ra 1,2 tỷ đồng.
Trải qua 200 vòng đấu giá, Công ty Cổ phần MT Quảng Đà (461-463 Nguyễn Hữu Thọ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là đơn vị trả mức giá cao nhất với số tiền trúng đấu giá hơn 370 tỷ đồng. Xét thấy vụ đấu thầu này có nhiều bất cập, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý. Đến ngày 25-12-2024, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định xử phạt Công ty CP MT Quảng Đà 17 triệu đồng về hành vi "Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá". Sau đó, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn đã ký quyết định về việc hủy kết quả phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B.
Trong nhiều cuộc họp với các ngành chức năng, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh, tỉnh sẽ triển khai các biện pháp cứng rắn nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản. "Luật Đấu thầu quy định việc đóng tiền cọc cho các mỏ khai thác khoáng sản rất thấp, chỉ có 15% tiền tạm ứng. Do đó, sẽ có trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp không đủ năng lực đóng tiền cọc rồi tham gia đấu thầu, đẩy giá quá cao so với thực tế, đấu giá để phá thầu, hoặc trúng thầu nhưng sau đó sẽ bỏ, khiến điểm mỏ khoáng sản đó không thể triển khai được", ông Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Khan hiếm nguồn cung
Được biết gần đây tại Quảng Nam, nguồn cung vật liệu xây dựng rất khan hiếm, nhất là cát, sỏi. Giá tăng cao "chóng mặt" khiến nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng kêu cứu, mong cấp thẩm quyền vào cuộc giải quyết để sớm đấu giá, đưa các mỏ khoáng sản vào khai thác.
Tại địa bàn huyện Đại Lộc, địa phương được ví như "thủ phủ" của các mỏ cát, chuyên cung cấp cát, sỏi cho các huyện phía Bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Tuy nhiên những ngày qua, bến bãi "đìu hiu" do nguồn cung đã hết. Mỏ thì tạm ngừng hoạt động do vướng thủ tục, mỏ thì sắp hết hạn nên phải tạm dừng để hoàn tất thủ tục đóng cửa mỏ. Một vài bãi chứa cát truyền thống lâu nay nhưng cũng sắp hết, những khối cát ít ỏi còn lại để dành ưu tiên cho đối tác lâu năm.
"Bình thường, công ty mua vào khoảng 300 ngàn đồng/m3 cát, nhưng nay đã 650 ngàn đồng/m3 nhưng vẫn không có nhiều để mua. Trong khi đó, giá cát UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt cho các công trình đầu tư công chỉ có 200 ngàn đồng/m3. Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp đành phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng triển khai dự án"- lãnh đạo một doanh nghiệp ở thị xã Điện Bàn chia sẻ.
Qua tìm hiểu của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, theo báo giá của Công ty CP Thương mại dịch vụ và Khoáng sản Quảng Nam (huyện Đại Lộc), giá cát xây dựng được báo giá ngày 18-5 có giá lên đến 720 ngàn đồng/m3. Lý giải cho việc giá cát cao như vậy, đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện nay các mỏ cát ở Quảng Nam không còn cung ứng, nên đơn vị phải lấy cát từ tỉnh Quảng Ngãi về, nên chi phí vận chuyển tăng cao khiến giá cát tăng theo…
Theo các nhà thầu xây dựng, địa bàn Quảng Nam có trữ lượng cát rất lớn, hàng chục mỏ nằm trong quy hoạch dọc các sông Vu Gia, Thu Bồn… Song trên thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp không có cát để sản xuất, nhà thầu không có cát xây dựng công trình. Một nghịch lý nữa, thời tiết đang mùa nắng mà nhà thầu phải thi công cầm chừng do thiếu nguồn vật liệu. Vậy làm sao có thể thúc đẩy khối lượng như cam kết, làm sao đẩy nhanh chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công?
Trước thực tế trên, mới đây Hội doanh nghiệp thị xã Điện Bàn đã gửi văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam. Theo đó, kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá và có giải pháp tháo gỡ tình trạng vật liệu xây dựng khan hiếm và giá tăng liên tục. Chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng như một số tỉnh, thành khác đã làm; thúc đẩy cấp phép khai thác vật liệu hợp pháp, mở rộng nguồn cung từ các mỏ đủ điều kiện và giảm thủ tục hành chính trong khai thác.
Nhằm sớm giải quyết "lỗ hổng" này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình vừa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường, các đơn vị liên quan sớm giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến các dự án khai thác khoáng sản, đảm bảo không làm gián đoạn việc thực hiện dự án nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu, vật liệu cho phát triển KT-XH, tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh…
TRẦN TÂN