Hiểm họa từ ong vò vẽ

Thứ bảy, 18/08/2018 19:00

Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều người dân một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung bị ong đốt tử vong, trường hợp nhẹ thì nhập viện điều trị trong tình trạng nguy kịch. Chỉ riêng trong nửa đầu tháng 8, chúng tôi đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bị ong đốt. Trước sự việc trên, người dân cần cảnh giác với loại côn trùng nguy hiểm này.

Người dân đốt tổ ong vò vẽ để lấy nhộng.

Hơn nửa tháng qua, bà Phan Thị T. (78 tuổi, trú xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vẫn đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng hôn mê sâu do ong đốt. Trước đó, ngày 30-7, bà T. cầm rựa ra phía trước vườn nhà để phát dọn cây cối. Tuy nhiên, do không để ý, bà T. bị đàn ong vò vẽ trong tổ bay ra đốt vào đầu và mặt. Do chất độc ong đốt bị phát tán mạnh, bà T. hôn mê sau đó. Dù được người nhà đưa xuống Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu tích cực, tuy nhiên hơn nửa tháng qua, đến nay bà T. vẫn chưa tỉnh.

Hoặc mới đây, chiều 14-8, sau khi nhậu xong, ông Đỗ Văn Quý (43 tuổi, trú xã Tịnh Trà, H. Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cùng một người bạn tên Thảo rủ nhau lên núi đốt tổ ong vò vẽ để về nhà nhậu tiếp. Tuy nhiên trong lúc đốt tổ ong thì cả 2 người bị ong bay ra đốt. Ông Quý bị thương nặng được ông Thảo đưa về nhưng gần đến nhà thì nạn nhân Quý tử vong.

Cũng liên quan đến ong vò vẽ, trưa 8-8, ông Nguyễn Văn Hải (60 tuổi, trú xã Hoài Hảo, H. Hoài Nhơn, Bình Định) đến nhà một hộ dân để hái dừa thuê. Biết cây dừa cạnh đó có tổ ong vò vẽ nhưng ông Hải vẫn leo lên hái. Không may, một tàu dừa gãy đã va chạm, đánh động tổ ong. Bầy ong túa ra đốt khắp người ông Hải. Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.

Ở đồng bằng, đa số những trường hợp bị ong đốt là ong vò vẽ. Loại ong này làm tổ trong các bụi rậm hoặc trên những cành cây. Tổ không lớn và số lượng ong không nhiều nhưng chất độc của loại ong này rất mạnh, có thể đốt chết cả trâu, bò. Do vậy, đa số những trường hợp người dân bị loại ong này đốt thường tử vong.

Bà Phan Thị T. vẫn đang điều trị tại bệnh viện trong tình trạng hôn mê.

Điều đáng nói, ở miền núi mùa này người dân thường vào các cánh rừng nguyên sinh để săn bắt ong lấy mật. Khác với ong vò vẽ, loài ong mật thường làm tổ trên những ngọn cây cao, do vậy muốn lấy được tổ ong, người dân phải leo lên cao nên rất nguy hiểm. Loại ong này tuy chất độc không mạnh như ong vò vẽ, nhưng nếu bị nhiều con ong đốt trong lúc vẫn còn trên cây thì rất nguy hiểm. Trường hợp ông A Lăng Ghi (52 tuổi, trú xã Tà Lu, H. Đông Giang, Quảng Nam) là một minh chứng. Trước đó, ngày 9-8, ông A Lăng Ghi leo lên cây cổ thụ trong rừng gần nhà để bắt tổ ong mật. Khi lấy được tổ ong, ông Ghi leo xuống nhưng mới được nửa cây thì những con ong còn lại bay đến đốt. Không chịu đựng được cơn đau nhức do ong đốt, ông Ghi buông tay và ngã xuống đất. Dù được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó...

Trên đây chỉ là một trong số những trường hợp bị ong đốt trong thời gian gần đây. Thời điểm này là mùa hè, có nhiều loại cây ăn trái nên thu hút rất nhiều các loại ong đến làm tổ và hút mật ở trong vườn. Do vậy người dân cần cẩn trọng, đề phòng khi phát dọn cây cối.

Theo các bác sĩ chuyên khoa chống độc, khi bị ong đốt, nếu không được cấp cứu kịp thời, một số trường hợp nạn nhân có thể tử vong trong vòng 30 phút kể từ lúc bị ong đốt. Nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc ong mà tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người. Điều này có nghĩa chỉ một con ong cũng có thể làm chết người. Các loại ong thường gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật… Trong các loại nọc ong, nọc ong vò vẽ thuộc loại nguy hiểm nhất. Sau khi đốt xong, chúng không để lại vòi như ong mật nên không chết ngay mà có thể đốt thêm nhiều người nữa.

Do vậy, khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng tấn công. Trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, người bị ong đốt tự làm hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác, nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng một trong những cách có thể như: Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra; rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát khuẩn như povidine 10% hoặc cồn 700 lên vết đốt mỗi ngày 2 lần; uống nhiều nước để loại thải các độc tố; chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng. Sau đó, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận. Nếu triệu chứng nặng cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời...

B.B