“Hiến kế” để Quảng Nam phát triển bền vững! (Kỳ 2: Nhận diện rõ thời cơ và thách thức)
Phát triển luôn có hai, thậm chí nhiều vấn đề phát sinh, kể cả mặt tốt, tích cực lẫn hạn chế, thiếu sót, song hành là những vấn đề cần điều chỉnh. Quá trình phát triển đô thị nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung của Quảng Nam thời gian qua cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nhận diện đúng những khó khăn, thách thức; tồn tại và hạn chế để kịp thời chỉnh hướng là việc tất yếu phải làm...
Ngập lụt là vấn đề, thách thức đặt ra cho sự phát triển của không chỉ Quảng Nam mà còn nhiều địa phương trên cả nước (ảnh st). |
Gia tăng khoảng cách phát triển giữa vùng Đông và Tây
Ông Trần Ngọc Chính khẳng định, bên cạnh lợi thế so sánh và cơ hội của một tỉnh có nhiều thế mạnh, Quảng Nam cũng đang phải đối mặt với những hạn chế và thách thức. Nổi lên là tỷ lệ đô thị hóa hiện còn thấp so với bình quân của cả nước; động lực phát triển đô thị còn nhiều hạn chế và chưa có tính đột phá phát triển mạnh; chiến lược phát triển đô thị dài hạn chưa khai thác hết thế mạnh và lợi thế của Quảng Nam với kinh tế biển, tiềm năng phát triển du lịch và cửa ngõ ra biển, cùng hành lang kinh tế Đông – Tây. Ngoài ra, tính liên kết trong vùng để cùng phát huy lợi thế cạnh tranh còn rất hạn chế; việc đa dạng hóa và mở rộng các ngành trọng điểm của tỉnh chưa rõ nét.
“Phát triển đô thị Quảng Nam còn trong tình trạng thiếu điều phối và gắn kết, nhất là trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Kết nối đô thị vùng yếu đang làm gia tăng khoảng cách phát triển kinh tế giữa vùng phía Đông và phía Tây, dẫn đến có sự chênh lệch, thành hai vùng rõ rệt của tỉnh Quảng Nam”, ông Chính nhìn nhận. Cũng theo ông, đó là chưa kể, việc quy hoạch chia lô ven biển làm hạn chế các không gian giao lưu cộng đồng, xây đường giao thông sát ven biển có nguy cơ ngập lụt cao, phá vỡ các khu vực cây xanh phòng hộ,...
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú cũng nhìn nhận, phần lớn các đô thị, đặc biệt là khu vực miền núi và trung du tại Quảng Nam chủ yếu đóng vai trò đơn thuần là trung tâm hành chính - chính trị - văn hóa của huyện; có quy mô quá nhỏ, động lực phát triển hạn chế, các chức năng hỗ trợ, thu hút lao động không cao. Định hướng phát triển giữa các đô thị trong vùng là khá tương đồng nên không tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh phát triển, đây là thách thức để tạo ra động lực phát triển nội tại và lan tỏa tạo sức hút trong phát triển đô thị.
“Chất lượng hạ tầng các đô thị chưa cao, đặc biệt là các đô thị phía Tây của tỉnh. Hệ thống giao thông khung (giao thông cấp đô thị, các trục chính đô thị) không đồng bộ; xử lý nước thải, rác thải của đô thị (gần như phần lớn các đô thị chưa có hệ thống thu và xử lý rác và nước thải); các công trình hạ tầng xã hội như các khu công viên cây xanh, cây xanh đường phố, cảnh quan đường phố chưa được đầu tư đúng mức”, ông Phú nói. Đồng thời cho biết, đó là chưa kể, hạ tầng kết nối vùng còn yếu, thiếu tầng bậc; hạ tầng kỹ thuật về điện, viễn thông, nước sinh hoạt và mạng lưới hạ tầng xã hội (chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa) chưa đồng bộ; hạ tầng khung liên kết giữa các đô thị còn yếu...
Thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu
Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay mà hầu như tất cả các đô thị đều phải đối mặt, riêng với Quảng Nam lại càng cho thấy vấn đề càng trở nên cấp thiết, đó là công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, tồn tại.
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) Quảng Nam, hiện đang thiếu sự phối hợp để ứng phó với BĐKH trong xây dựng các chính sách, quy hoạch và chương trình trong các ngành và lĩnh vực. Việc tích hợp BĐKH trong quy hoạch, thiết kế và thực thi các chính sách hầu như chưa gắn kết BĐKH với các hoạt động giảm nghèo và việc làm; thiếu các công cụ và phương pháp luận để hướng dẫn và tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách. Kinh phí duy tu, sửa chữa các công trình hồ chứa, các dự án trồng và khôi phục rừng ngập mặn, rừng chắn cát; xây và củng cố đê, kè, nhà đa năng, đường tránh lũ; xây dựng và nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi,... còn hạn chế, khó khăn trong việc huy động kinh phí thực hiện trong bối cảnh tình hình mưa, lũ diễn biến ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường các cấp còn bất cập, thiếu nguồn nhân lực trong công tác công tác kiểm tra, hậu kiểm về môi trường sau khi phê duyệt. Nhiều chính sách, văn bản pháp luật mặc dù đã được ban hành nhưng khi áp dụng chưa phù hợp với tình hình thực tế, còn chồng chéo, bất cập, dẫn đến còn nhiều lúng túng, khó khăn khi thực hiện. Thiếu quy định, tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, nhất là đối với các dự án có nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường. Nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT chưa tương xứng với nhiệm vụ, công tác xã hội hóa trong BVMT đạt thấp. Ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một số doanh nghiệp còn đối phó, chủ quan, thiếu tự giác, chưa quan tâm đầu tư đúng mức và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường đã cam kết trong quá trình hoạt động,...
Lấy dẫn chứng về tác động của BĐKH, GS.TS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam nhìn nhận, trong những năm gần đây, thành phố Hội An đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, bão,lũ lụt, áp thấp nhiệt đới, biển xâm thực, sạt lở..., gây nhiều thiệt hại về người, của cải, vật chất, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân thành phố Hội An. Thông qua việc đánh giá khả năng chống chịu với BĐKH của thành phố Hội An cho thấy chính quyền và người dân thành phố Hội An cần có nhiều giải pháp mang tính lâu dài và trước mắt nhằm đảm bảo sức khỏe và phúc lợi cho người dân, phát triển kinh tế xã hội, có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các ngành nghề kinh tế dễ bị tổn thương trong công tác ứng phó BĐKH, thiên tai. Đồng thời, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ và duy trì các hệ sinh thái, cung cấp dịch vụ môi trường bảo vệ cho thành phố, lồng ghép đầy đủ các đánh giá tổng thể về rủi ro và hiểm họa có tính đến các kịch bản thay đổi dài hạn trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng, thời tiết cực đoan và dự báo khó lường. “Biến đổi khí hậu đã, đang và tiếp tục xóa đi những thành quả của nhiều năm phát triển. Sự mở rộng các đô thị, nạn phá rừng đầu nguồn, xây dựng các cơ sở hạ tầng dày đặc và bê-tông hóa bề mặt đã góp phần không nhỏ làm tăng ngập úng tại các đô thị và Quảng Nam không phải là ngoại lệ”, TS Tiến nói. Đồng thời cho biết, tại Quảng Nam trong những năm qua, đặc biệt trận Đại hồng thủy năm 2013 đã làm ngập hầu hết các huyện đồng bằng và trung du, các huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng ngàn hộ dân phải sơ tán, lũ lụt, bão lũ đã tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật, uy hiếp các hồ chứa nước, trong đó hầu hết các tuyến giao thông huyết mạch như tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, quốc lộ 1A bị ngập lũ, gây ách tắc giao thông làm nhiều địa phương trong tỉnh bị cô lập...
Có thể thấy, bên cạnh mặt tích cực đạt được, thì hệ quả của quá trình phát triển, đô thị hóa – công nghiệp hóa nói chung, tại Quảng Nam nói riêng là những suy thoái về hệ sinh thái và bất cập về môi trường, tạo nên những đe dọa tiềm ẩn cho sự phát triển bền vững.
D.H