“Hiến kế” để Quảng Nam phát triển bền vững! (Kỳ cuối: Định hình khung phát triển)

Thứ tư, 04/12/2019 20:00

Cần làm gì, làm như thế nào để Quảng Nam trở thành mô hình mẫu trong phát triển hệ thống đô thị, đặc biệt là phát triển đô thị thông minh, tạo ra các cơ sở cần thiết cho sự phát triển bền vững, lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là những vấn đề sẽ được gợi mở qua cách nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học.

Hướng phát triển đô thị Hội An có vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực và của Quốc gia, được quy hoạch định hướng phát triển thành phố Hội An thành đô thị loại II (ảnh st).

Bền vững về văn hóa và sinh thái

KTS Lê Kiều Thanh, Trưởng phòng Quản lý KHKT (Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn Quốc gia) nhìn nhận, mô hình phát triển định cư bền vững về văn hóa và sinh thái trong nền kinh tế thị trường là xu thế phát triển tất yếu, phù hợp thời đại về phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Lấy Hội An làm ví dụ, KTS Thanh cho rằng những giá trị cảnh quan tự nhiên, cảnh quan kiến trúc đô thị của Hội An đã góp phần tạo dựng hình ảnh thương hiệu của thành phố để phát triển du lịch trong suốt thời gian qua. Mong muốn của KTS Lê Kiều Thanh là làm sao để Quảng Nam có nhiều sản phẩm đô thị du lịch và điểm định cư như vậy, dựa trên lợi thế riêng của sông núi, con người Quảng Nam.

“Mặc dù cũng nằm trong xu thế phát triển đô thị hiện đại, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc, trung tâm thương mại, khu nghỉ mát cao cấp cùng những điểm vui chơi giải trí quốc tế, nhưng dường như Quảng Nam vẫn đang thiếu một định hướng về phát triển văn hóa và sinh thái trong phát triển đô thị và định cư nói riêng. Song đây cũng chính là điểm mạnh và tiềm năng còn chưa được khai thác của Quảng Nam. Những định hướng đúng đắn và chiến lược đột phá trong phát triển đô thị dựa trên yếu tố văn hóa và sinh thái sẽ tạo ra những động lực phát triển mới mẻ và mạnh mẽ cho Quảng Nam trong một vài thập niên tới”, KTS Lê Kiều Thanh nói.

Phân vùng phát triển và vùng động lực

PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, Quảng Nam đang đứng trước bước ngoặt của đổi mới và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không nhỏ. Để thực hiện khát vọng mạnh mẽ trở thành một tỉnh công nghiệp, có thu nhập trung bình cao của cả nước, Quảng Nam cần quản lý tốt quá trình đô thị hóa để đẩy mạnh hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Với hiệu ứng kinh tế tích cực do tập trung dân cư, các đô thị sẽ làm tăng năng suất, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa các hoạt động kinh tế góp phần thúc đẩy tăng trưởng của khu vực đô thị, từ đó tạo sự lan tỏa sang khu vực nông thôn trong tỉnh.

Theo TS Hưng, muốn phát triển nhanh và bền vững, trước hết Quảng Nam cần xác định rõ ranh giới các vùng phát triển. Theo đó, căn cứ các điều kiện tự nhiên mà chủ yếu là các yếu tố địa lý, địa hình, toàn bộ lãnh thổ của Quảng Nam được phân thành 2 vùng chính: Vùng phía Đông (đồng bằng ven biển - hải đảo) và vùng phía Tây (trung du - miền núi). Theo đó, TS Hưng đề xuất, Quảng Nam cần xác định vùng phía Đông (chiếm 10,5% tổng diện tích và 54% dân số của toàn tỉnh) là vùng động lực, đảm nhiệm vai trò đầu tàu phát triển cho toàn tỉnh, tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp, dịch vụ, để tạo tác động lan tỏa và tạo nguồn lực phát triển. Riêng vùng phía Tây (chiếm gần 90% diện tích đất tự nhiên, khoảng 46% dân số toàn tỉnh), thì nên tập trung vào phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả và bền vững, đi đôi với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn; gắn phát triển kinh tế với xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, sử dụng tài nguyên hợp lý và bảo vệ tốt môi trường.

“Để khắc phục những bất cập về chênh lệch trình độ phát triển và thu nhập giữa 2 vùng Đông và Tây, ngoài việc tập trung cao cho sự phát triển nội tại của vùng phía Tây, rất cần thiết phải tăng cường kết nối giữa Đông và Tây để phát huy vai trò động lực phát triển của vùng phía Đông để kéo vùng phía Tây phát triển nhanh hơn và ngược lại; vùng phía Tây cũng phát huy vai trò hỗ trợ cho vùng phía Đông phát triển bền vững hơn. Từ đó, khai thông các nguồn lực để thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội Vùng phía Tây Quảng Nam”, TS Hưng nói.

Theo Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam Trần Ngọc Chính, cần xây dựng và hình thành một số các đô thị trọng điểm đóng vai trò làm khung động lực cho sự phát triển của toàn vùng, trong đó đô thị Hội An có vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực và của Quốc gia, được quy hoạch định hướng phát triển thành phố Hội An thành đô thị loại II; đô thị Điện Bàn được xác định theo mô hình đa cực của tiểu vùng; là trung tâm tổng hợp, có vai trò thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng phía Bắc tỉnh Quảng Nam, được quy hoạch định hướng phát triển thành đô thị loại III (2020); đô thị Tam Kỳ là một trong các đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vai trò là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Nam, đồng thời là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo của khu vực miền Trung và Tây Nguyên...

Ông Chính cũng đề nghị Quảng Nam cần tập trung phát triển đô thị ở dải ven biển và dọc tuyến Quốc lộ 1A; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa khu vực ven biển; khai thác triệt để vùng bờ biển và các đảo; phát triển các khu du lịch đẳng cấp quốc tế và các dịch vụ cảng biển; tiếp tục nâng cấp, mở rộng các đô thị ven biển đang có xu hướng phát triển như Điện Nam - Điện Ngọc, Duy Nghĩa, Bình Minh, Núi Thành... “Với mô hình tập trung phát triển đô thị dải ven biển sẽ phát huy tối đa chiến lược phát triển kinh tế biển; kết nối các đô thị từ cửa biển đến cửa khẩu, từ hệ thống đô thị phía Bắc tới phía Nam của tỉnh và các tỉnh lân cận. Từ đó, tạo nên khả năng liên kết đa chiều không chỉ trong toàn tỉnh mà còn với khu vực”, ông Chính nêu kiến giải.

Cùng quan điểm nêu trên, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam, ông Nguyễn Phú đề xuất nên phân vùng phát triển và vùng động lực. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hình thành 3 cụm động lực thuộc vùng Đông (Đại Lộc - Điện Bàn - Hội An; Duy Xuyên – Thăng Bình -  Quế Sơn và Phú Ninh – Núi Thành – Tam Kỳ)... “Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị để trở thành hạt nhân cho quá trình phát triển, kịp thời giải quyết các tồn tại và có các bước đi và giải pháp phát triển phù hợp với lộ trình và đặc điểm của tỉnh; đảm bảo sự hình thành của một mạng lưới đô thị đều khắp, có tầng bậc, xây dựng từng đô thị có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh, đảm bảo hạ tầng khung kết nối, liên kết và hỗ trợ phát triển lẫn nhau”, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú nói.

Còn rất nhiều ý kiến đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để “hiến kế” cho Quảng Nam phát triển trong thời gian tới. Và để Quảng Nam trở thành địa phương có đóng góp đáng kể cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trở thành vùng có tính chất động lực, lan tỏa, thì quá trình đô thị hóa cùng với quá trình công nghiệp hóa của Quảng Nam cần phải phát triển nhanh hơn nữa theo hướng bền vững. Thiết nghĩ, những góp ý, kiến giải nêu trên sẽ là kênh thông tin quan trọng giúp cho chính quyền Quảng Nam vạch chiến lược phát triển hiệu quả, mang tính đặc thù và khai thác tối đa lợi thế so sánh của địa phương.

D.H