Hiến pháp của nhân dân

Thứ năm, 24/10/2013 11:29

(Cadn.com.vn) - Ngày 23-10, các vị Đại biểu Quốc hội bắt đầu thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là lúc các vị ấy nhận thức rõ ràng nhất tâm huyết và trí tuệ của nhân dân đã dành cho bản dự thảo để thực hiện đúng ý nguyện của nhân dân. Hiện nay có 3 báo cáo tập hợp hơn 26 triệu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân về các nội dung liên quan đến sửa đổi Hiến pháp 1992.

Ngắn gọn nhất là “Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về các nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân”, dài 150 trang giấy A4, vừa được trình bày tại Quốc hội ngày 22-10.

Bản thứ hai là “Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp” - dài hơn 800 trang. Và bản đầy đủ nhất là “Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan của T.Ư Đảng, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam” - dài 1.600 trang.

Như vậy, sau khi tập hợp, bản góp ý dài nhất cũng chỉ tương đương với 1 cuốn sách. Nhưng đó là thành quả của một cuộc vận động lớn nhất từ trước tới nay của cả hệ thống chính trị, với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, chia làm 2 đợt: Đợt 1 kéo dài từ ngày 2-1-2013 đến hết ngày 31-3-2013, có 26.090.828 lượt ý kiến; đợt 2 từ 1-4-2013 đến 30-4-2013, có 448 lượt ý kiến đóng góp.

Bên cạnh đó, hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức để góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Và, đó là tài sản trí tuệ vô giá đối với Nhà nước cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam trên chặng đường phát triển hôm nay và mai sau, là minh chứng cho sự tồn tại của một xã hội văn minh, một Nhà nước văn minh.

Xét ở khía cạnh lịch sử, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay là một bước tiến lớn trong nền lập pháp Việt Nam, đó là bước phát triển mới suốt hằng nghìn năm qua, là dấu mốc tiếp theo “Hình thư” năm 1042 dưới thời Lý, “Quốc triều hình luật” (Luật Hồng Đức) năm 1471 dưới thời Lê sơ và văn bản pháp luật của các triều đại phong kiến, đồng thời cũng là bước phát triển mới của các bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 của chế độ XHCN.

Trong suốt quá trình đó, do trình độ phát triển và điều kiện lịch sử, chưa bao giờ, người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc, tất cả các giai tầng trong xã hội có điều kiện đóng góp xây dựng như hiện nay. Đó vừa là yếu tố khách quan của thời đại nhưng cũng đồng thời phản ánh tính chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó, người dân luôn nằm vị trí trung tâm của mọi sự vận động của xã hội. 

Hiến pháp là luật gốc, là văn bản quy phạm pháp luật thể hiện chân xác, cô đọng và toàn vẹn nhất quyền lợi và ý chí của giai cấp thống trị. Việc dung hòa được quyền lợi và ý chí của giai cấp thống trị với nguyện vọng của tất cả các giai tầng trong xã hội chỉ có thể đạt được ở một trình độ phát triển nhất định.

Đó chính là điều Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đang thực hiện, mà hơn 26 triệu ý kiến đóng góp được cô đặc trong 1.600 trang giấy đang được xem xét đưa vào để bổ sung, chỉnh sửa trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là minh chứng sống động nhất cho thấy, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam không chỉ là Hiến pháp của Nhà nước, của giai cấp thống trị, mà còn là Hiến pháp của nhân dân, của dân tộc Việt Nam.

Do sức nặng của lịch sử và ý nguyện của nhân dân, đây là lúc Quốc hội, các vị ĐBQH thể hiện sự trân trọng cao nhất, sáng suốt nhất để chuyển được tri thức của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhằm bảo đảm đó là kết tinh trí tuệ của nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh và lưu truyền mãi mãi trong lịch sử văn minh Việt Nam.

Nguyễn Lê