Hiệp hội Ngân hàng: Nhiều mối đe dọa tiềm tàng qua thanh toán điện tử
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thừa nhận trong thời gian qua, trong thanh toán điện tử có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo với nhiều mối đe dọa đang xuất hiện và có những tác động tiêu cực đối với các tổ chức tài chính, cũng như khách hàng.
COVID-19 "thúc đẩy" chuyển đổi số ngân hàng
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội hội Ngân hàng cho biết giai đoạn 2020-2025 minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Nếu như trước năm 2016, khoảng 500 đến 1 triệu giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng, đến nay lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). "Với lượng thanh toán lớn hàng ngày, chuyển đổi số là hết sức quan trọng và thiết thực. Đối với ngành ngân hàng, đây là sự chuyển đổi vượt bậc, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xảy ra", ông Hùng nói.
Tính đến tháng 6-2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, Internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%.
Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết việc thúc đẩy sử dụng dịch vụ số giúp người dân tránh được các dịch vụ chuyển tiền bất hợp pháp, cho vay nặng lãi… Trong số đó, hình thức cho vay bằng phương thức điện tử giúp cho việc phổ cập tài chính đến người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
"Chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Rất nhiều tổ chức tín dụng đã đạt được số lượng giao dịch trên kênh số lên tới 90%. Điều đó giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu nhiều chi phí so với thực hiện các giao dịch truyền thống trước đây", ông Tuấn nhấn mạnh. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số nhanh chóng cũng đặt ra những thách thức về vấn đề an ninh, an toàn. Đặc biệt, xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo trên mạng cũng như tình trạng kẻ gian lợi dụng kẽ hở trục lợi, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
"Điểm mặt, chỉ tên" lừa đảo để phòng tránh
Tại tọa đàm, các đại biểu đã chỉ ra nhiều hình thức lừa đảo phổ biến trong thanh toán điện tử hiện nay để khách hàng nhận diện và phòng tránh cũng như đưa ra các giải pháp để các ngân hàng chủ động bảo mật an toàn thông tin. Cụ thể, trường hợp điển hình là khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng Internet, mua hàng qua mạng... cho kẻ gian. Bên cạnh đó còn có hiện tượng kẻ gian lợi dụng nâng cấp sim, nâng cấp gói Internet trên sim để chiếm đoạt số điện thoại, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng. Một trường hợp xảy ra phổ biến khác là kẻ gian sử dụng tin nhắn giả mạo, gửi các đường link/brandname chứa mã độc để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần tỉnh táo, cảnh giác, không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân gì cho bên thứ ba, cẩn trọng khi tham gia không gian mạng để hạn chế tối đa rủi ro, mất tiền cho kẻ gian.
Từ phía ngân hàng thương mại, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh thông tin, Ngân hàng Techcombank chia sẻ an toàn bảo mật là vấn đề mà ngân hàng trăn trở nhất. Thời gian qua, bên cạnh truyền thông cho người dùng, ngân hàng cũng luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp về mặt công nghệ để phòng chống gian lận. "Vấn đề về lừa đảo sẽ luôn luôn tồn tại. Khi chúng ta có hình thức mới, kẻ gian sẽ tìm cách để thực hiện hành vi gian lận. Vì thế, ngân hàng cũng sẽ phải liên tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho khách hàng, luôn đồng hành với khách hàng trong việc giải quyết các bài toán về bảo mật", ông Tuấn khẳng định. Đại diện Techcombank cảnh báo một số loại tấn công mới như tin nhắn mạo danh (SMS brand name), mở tài khoản bằng eKYC sử dụng AI, deepfake. Ngoài ra, còn xuất hiện hình thức lừa đảo với giao dịch QR Code.
Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cảnh báo cùng với quá trình chuyển đổi số, các hoạt động tấn công mạng là không thể tránh khỏi. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thực tế, ngân hàng và các tổ chức tài chính là đối tượng thường bị tấn công nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận. Ngân hàng Nhà nước cũng mong muốn các tổ chức tín dụng hết sức quan tâm và coi đây không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, mà là của toàn xã hội, toàn dân, trong đó có các tổ chức tín dụng.
Thúy Hà