Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi tằm trong điều hòa

Thứ sáu, 05/05/2023 08:38
Do tằm là loài động vật khó nuôi, nhạy cảm với môi trường và nhiệt độ nên để cho quá trình sinh trưởng, phát triển tằm đạt hiệu quả tốt nhất, HTX Nông nghiệp dâu tằm Đồng Tiến ở xã Khánh Sơn, H.Nam Đàn (Nghệ An) đã lắp điều hòa để duy trì nền nhiệt. Mô hình này đã mang lại giá trị kinh tế cao.
Sau khi tằm nhả tơ tạo thành kén sẽ được nhập cho các nhà máy sản xuất tơ, vải.
Ông Đinh Văn Đường đang thái lá dâu cho tằm ở giai đoạn sơ sinh.
Bà Hà Thị Tình đang chăm sóc giai đoạn “tằm ăn rỗi”.

Những năm 70 của thế kỷ trước, nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Khánh Sơn, H.Nam Đàn phát triển khá mạnh mẽ, người dân nhập kén cho các nhà máy dệt trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do sự phát triển của kinh tế thị trường, các loại vải công nghiệp dần dần chiếm lĩnh, ngành dệt tơ cũng gặp khó khăn. Sản phẩm tơ không có đầu ra, giá cả lại bấp bênh, hộ nuôi tằm giảm mạnh kéo theo diện tích trồng dâu bị thu hẹp lại, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Khánh Sơn mai một dần. Chỉ còn một số người dân nuôi loại tằm ré (tằm vàng) dùng để chế biến thức ăn.

Năm 2020, trong quy hoạch vùng, UBND H.Nam Đàn có đề án khôi phục làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Khánh Sơn. Từ đó, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dâu tằm Đồng Tiến (sau đây gọi tắt là HTX Đồng Tiến) ra đời. Sau 3 năm nỗ lực, HTX này đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên và cũng là duy nhất tại đây với mô hình nuôi tằm tập trung. Đây cũng là doanh nghiệp nuôi tằm được đánh giá lớn nhất khu vực phía Bắc.

Anh Đinh Văn Thắng - thành viên HTX Đồng Tiến cho biết, tằm là loại động vật rất khó nuôi, nhạy cảm với môi trường và nhiệt độ nên nếu nuôi ở quy mô lớn không hề đơn giản. Bởi vậy, thức ăn dành cho tằm cũng phải chọn lựa cẩn thận, kĩ lưỡng. Do giống cây dâu bản địa già cỗi và suy thoái dần nên HTX đã thay thế bằng 2 loại giống được lấy từ Viện Tơ tằm Trung ương phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây. Giống dâu này lá xanh, nhiều và to gấp 4 lần giống dâu truyền thống. Do đó năng suất trên một đơn vị diện tích lớn hơn rất nhiều so với giống dâu bản địa. Hiện HTX được giao đất khoảng 20 ha trồng dâu trên bãi bồi sông Lam. Bên cạnh việc chọn lựa cây dâu, việc chọn giống tằm đưa vào nuôi cũng được HTX chú trọng, giống tằm được nhập khẩu từ nước ngoài về. Đây là giống tằm trắng, có khả năng chống chịu được khí hậu khắc nghiệt, đông lạnh, hè nắng nóng ở Nghệ An và có chất lượng tơ tốt.

Ông Đinh Văn Đường (1966), thành niên có kinh nghiệm lâu năm trong nuôi tằm của HTX Đồng Tiến cho hay, tằm chỉ ăn loại lá khô ráo, không ăn lá dâu dính nước mưa, sương... Nếu ăn những lá này sẽ khiến tằm đau bụng. Bên cạnh nguồn thức ăn thì nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng phát triển của tằm cũng rất quan trọng. Nhiệt độ trung bình duy trì khoảng từ 25 - 30 độ C, độ ẩm khoảng 80- 85%. Để cho tằm có sức sinh trưởng tốt và đạt hiệu quả cao trong nhả tơ, HTX đã lắp điều hòa nhằm duy trì nền nhiệt. Bên cạnh đó, trong phòng luôn phải có máy phun sương để tạo độ ẩm.

Cũng theo ông Đường, sự phát triển của tằm trải qua 5 tuổi đời, mỗi tuổi kéo dài 2-3 ngày. Qua một lần lột xác, tằm sẽ thêm một tuổi. Bởi vậy, việc chăm sóc, điều chỉnh nhiệt độ và chuẩn bị thức ăn cho tằm phải tùy thuộc vào độ tuổi. Đặc biệt, giai đoạn trứng tằm, sau khi ấp nở được đưa vào một khu vực nuôi riêng với những tiêu chuẩn về môi trường khắt khe. Thức ăn cho tằm ở giai đoạn này phải thái thành từng sợi nhỏ và luôn đảm bảo độ tươi. Tằm hết độ tuổi 1, không cần phải thái lá dâu thành sợi mảnh nữa mà sử dụng máy cắt để thái lá to hơn. Từ độ tuổi thứ 2 trở đi, tằm ăn rất nhiều lá dâu. Đây gọi là giai đoạn "tằm ăn rỗi" nên công nhân phải liên tục bổ sung thức ăn cho tằm. Khi ở độ tuổi 5 (tức sau 5 lần lột xác), lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể đủ, tằm sẽ không ăn nữa. Khi tằm "chín", sẽ được đưa vào các "né" gỗ để tự làm tổ. Mỗi con tằm sẽ chui vào một ô, nhả tơ bao bọc quanh, tạo thành chiếc kén và được công nhân gỡ ra mang đi nhập cho các nhà máy sản xuất tơ, vải.

Sau 3 năm phát triển mô hình nuôi tằm trong điều hòa, HTX Đồng Tiến đã có những thành công bước đầu, sản phẩm vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa giải quyết lao động cho địa phương. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán 6-7 tạ kén cho các nhà máy sản xuất tơ, vải đến từ Lâm Đồng và Hà Nam. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã giải quyết tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương. Hiện tại, HTX có 5 lao động chính thức, thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/tháng và khoảng 20 lao động thời vụ. HTX cũng đang huy động người dân trồng dâu để cung ứng cho HTX. Bà Hà Thị Tình (1970), trú xã Khánh Sơn, có kinh nghiệm 20 năm trồng dâu, nuôi tằm chia sẻ: “Ngày xưa, cha ông ta thường nói "nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" là nói lên sự vất vả của nghề nuôi tằm. Tuy nhiên, với mô hình nuôi tằm như ở HTX Đồng Tiến, các công nhân đỡ vất vả hơn rất nhiều. Chỉ cần cho ăn đúng quy trình, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp và chuẩn bị thức ăn phù hợp với độ tuổi thì tằm sẽ sinh trưởng tốt, nhả được nhiều tơ mang lại chất lượng kén tốt hơn”.

Sau khi tằm nhả tơ tạo thành kén sẽ được nhập cho các nhà máy sản xuất tơ, vải.

Bên cạnh mang lại sản phẩm tơ, nuôi tằm còn có nhộng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Nhộng sẽ được nhập cho các chợ đầu mối và nhà hàng trên địa bàn với giá 110-120 nghìn đồng/kg.

Mô hình nuôi tằm trong điều hòa là mô hình khép kín, tập trung ở HTX Đồng Tiến, so với các loại cây nông nghiệp khác trên cùng một đơn vị diện tích thì cây dâu cho giá trị cao gấp 2-3 lần. Bước đầu, mô hình trồng dâu, nuôi tằm này đã mang lại thành công và đang hứa hẹn mở ra triển vọng mới, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Những sản phẩm mới từ tằm sẽ được đưa đi nhập ở nhiều địa phương, được nhiều người biết đến.

Dương Hóa