Hiệu quả từ mô hình ngăn ngừa ma túy xâm nhập giới trẻ

Thứ bảy, 12/10/2019 11:43

Qua 3 năm triển khai thí điểm, gần 80% thành viên tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" trên địa bàn TP Đà Nẵng đã tự tin "nói không với ma túy". Chưa thể khẳng định chắc chắn mô hình này là giải pháp căn cơ nhất để ngăn chặn tệ nạn ma túy trong cộng đồng, nhưng với những kết quả bước đầu đã đạt được, cho thấy đây là giải pháp khả dĩ cần được nhân rộng...

Hội viên CLB "Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy" P. Thọ Quang tham quan thực tế tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.

Trước tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy và người có nguy cơ sử dụng, nghiện ma túy ngày càng gia tăng, nhất là đối tượng thanh thiếu niên (TTN) trên địa bàn TP Đà Nẵng, năm 2016, trên cơ sở tham mưu của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP phối hợp với Cục phòng chống TNXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho thực hiện thí điểm mô hình CLB "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" tại 2 phường Thọ Quang (Q. Sơn Trà) và Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) trong khuôn khổ Dự án phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là 2 địa phương đầu tiên của Đà Nẵng và cả nước triển khai mô hình, song song với giải pháp tổ chức cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên dương tính với ma túy thông qua các đoàn thể đã được TP triển khai trước đó. Đến năm 2017, mô hình này không những được duy trì tại hai phường thí điểm nói trên, mà còn triển khai mở rộng thêm tại 4 phường, gồm: Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn), Hòa An (Q. Cẩm Lệ), Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) và Bình Hiên (Q. Hải Châu).

"Sau hơn ba năm triển khai mô hình Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" tại 6 địa phương đã thu hút 224 hội viên tham gia. Các em đã được giúp đỡ bằng nhiều hình thức, như hỗ trợ học nghề, học văn hóa 22 em, 4 em được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, 49 em được hỗ trợ khó khăn đột xuất, 164 em được giới thiệu việc làm và 10 em được động viên trở lại lớp học. Qua sinh hoạt đã tổ chức đánh giá xếp loại định kỳ với kết quả hiện nay có 176 em tiến bộ", bà Nguyễn Thủy Ngà - Phó Văn phòng Chi cục Phòng, chống TNXH TP Đà Nẵng cho biết.

Là địa bàn đầu tiên được triển khai thí điểm mô hình, theo Phó Chủ tịch UBND P. Thọ Quang Lê Thị Kim Thương, mặc dù mới triển khai thực hiện nhưng bước đầu mô hình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó có 95% số hội viên tham gia mô hình chưa sử dụng lại ma túy. Ngoài ra, thời gian qua địa phương cũng đã lồng ghép nhiều chương trình, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho các em; việc quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ và tiến hành thử test thường xuyên đối với hội viên tham gia mô hình được triển khai duy trì nên đã cơ bản hạn chế được tái phạm.

Ông Nguyễn Văn Quốc - Chủ tịch UBND P. Bình Hiên (Q. Hải Châu) cho biết, đến thời điểm hiện nay, CLB phường quản lý 36 hội viên, trong đó có 2 hội viên xin cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng và đã trở về hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, phường đã hỗ trợ sinh kế cho 1 hội viên với số tiền 5 triệu đồng để mua xe máy đi làm, có 23 hội viên tiến bộ, 32 hội viên có việc làm. "Để đạt được kết quả nêu trên phải nói đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp hết sức chặt chẽ của các ban, ngành, hội đoàn thể, Công an phường; đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân tham gia tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ", ông Quốc nói.

Theo bà Phạm Thị Sen - Phó Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống TNXH TP Đà Nẵng, là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện, thời gian qua, Chi cục đã ban hành hàng loạt các kế hoạch nhằm triển khai mô hình đồng bộ từ trên xuống cơ sở; tổ chức các buổi tập huấn cho Ban chủ nhiệm CLB các phường; tổ chức tham quan thực tế cho các hội viên CLB tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng và Trường Giáo dưỡng số 3... Ngoài ra, Chi cục cũng tổ chức tập huấn kỹ năng sống và công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hướng nghiệp cho hội viên CLB. Song song với đó, định kỳ hàng tháng, các Ban chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt CLB, tổ chức gặp mặt, tọa đàm, đối thoại trực tiếp với hội viên và thân nhân gia đình đối tượng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, qua đó đề xuất, tham mưu cấp trên giải quyết... "Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, mô hình CLB "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" trên địa bàn TP Đà Nẵng dù mới được triển khai thực hiện nhưng bước đầu đã cho thấy tính hiệu quả rõ rệt. 78,6% số hội viên tham gia mô hình chưa bị phát hiện sử dụng lại ma túy", bà Sen cho biết.

Thiết nghĩ, trước tình trạng người nghiện, người sử dụng ma túy ngày càng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, bên cạnh các giải pháp đã và đang được triển khai nhằm hạn chế phát sinh người nghiện mới thì mô hình CLB "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" hiện nay tại Đà Nẵng là mô hình phù hợp để góp phần hạn chế ma túy lây lan trong cộng đồng. Nên chăng mô hình này cần được tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa trong thời gian tới.

D.H