Hiệu quả từ nguồn vốn vay giảm nghèo của ngân hàng chính sách xã hội

Thứ hai, 13/06/2022 17:09
Trà Giáp, là một xã vùng trung của huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, nơi có 97% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và là vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, bằng nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo ở xã có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi chủ động phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững.
Các hộ dân vay vốn mua gia súc, gia cầm để phát triển chăn nuôi.
Các hộ dân vay vốn mua gia súc, gia cầm để phát triển chăn nuôi.

Tính đến 31-5-2022, toàn xã có 909 hộ, 3.732 nhân khẩu, số hộ nghèo 751 hộ, tỷ lệ 83,22%, trong đó: hộ nghèo là người đồng bào DTTS 750 hộ, chiếm tỷ lệ 99,97%. Tổng dư nợ vay nguồn vốn tín dụng chính sách tính đến 30-5-2022 đạt gần 32 tỷ đồng, với 659 hộ vay, xã không có nợ quá hạn. Bên cạnh việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách cho nhân dân trên địa bàn, UBND xã luôn quan tâm đến việc chỉ đạo rà soát các đối tượng thụ hưởng, lập danh sách đối tượng thụ hưởng, khảo sát nhu cầu vay vốn cũng như kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, chỉ đạo Ban giảm nghèo xã, trưởng thôn, Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tăng cường trách nhiệm trong việc triển khai tín dụng chính sách, đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi; phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đề nghị xử lý rủi ro cho hộ vay kịp thời khi họ gặp rủi ro khách quan.

Theo đánh giá của UBND xã Trà Giáp, có được kết quả trên là do hằng năm, xã luôn làm tốt công tác rà soát, xác nhận đối tượng vay vốn, nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Lãnh đạo xã luôn trăn trở, suy nghĩ và tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là hộ nghèo chủ động trong việc vay vốn và tổ chức sản xuất, sử dụng nguồn vốn thật sự hiệu quả. Chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiếp cận với việc sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao, những hàng hoá mang tính đặc thù của địa phương, cùng với đó tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, bổ sung kiến thức, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh quy trình sản xuất với liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, UBND xã thường xuyên chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã, các trưởng thôn phối hợp với 4 Hội đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xét chọn các đối tượng phù hợp để thực hiện các chương trình tín dụng trong gói phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 2021-2025 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, phải đảm bảo tăng trưởng quy mô tín dụng phải gắn liền với chất lượng tín dụng. Để giải quyết được vấn đề này thì cần phải làm tốt ngay từ khâu bình xét cho vay, chỉ đạo các thành phần có liên quan như: Tổ trưởng, thôn trưởng, các Hội đoàn thể phải kiểm tra thật kỹ đối tượng vay vốn trước khi trình UBND xã phê duyệt. Ngoài ra, vào đầu tháng tổ chức họp giao ban với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tại điểm giao dịch xã để trực tiếp nắm tình hình, chỉ đạo giải quyết những tồn tại phát sinh.

Ngoài ra, xã cũng tăng cường công tác chỉ đạo 4 Hội đoàn thể nhận ủy thác là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCSHCM thực hiện tốt các công việc trong văn bản liên tịch đã ký kết với NHCSXH huyện, đồng thời trực tiếp xử lý các trường hợp tồn tại phát sinh trong Tổ do Hội đoàn thể mình quản lý, hằng tháng báo cáo lại cho Chủ tịch UBND xã trong phiên họp giao ban.

Để thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách trong thời gian tới, xã Trà Giáp thường xuyên bám sát vào các Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện và các văn bản hướng dẫn của NHCSXH để cụ thể hoá trong công tác chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện, trong đó tập trung: Rà soát các nhóm đối tượng thụ hưởng các chính sách, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và gửi NHCSXH huyện làm căn cứ để giải quyết cho vay đảm bảo đối tượng thụ hưởng theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của các Hội đoàn thể nhận ủy thác, hoạt động của các Tổ TK&VV; kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả; giới thiệu, bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng từng chương trình tín dụng, tổ chức họp bình xét vay vốn để đảm bảo việc thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước một cách công khai, minh bạch, hiệu quả và dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện.

Trần Cao Anh