Hiệu quả từ việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội

Thứ hai, 18/10/2021 14:30

Hiện nay, tệ nạn xã hội (TNXH) đang là một vấn nạn gây bức xúc trong đời sống. Tệ nạn biến đổi phức tạp và tồn tại ở nhiều hình thức như cờ bạc, rượu bia, mê tín dị đoan và đặc biệt là vấn nạn ma túy, mại dâm đang dấy lên hồi chuông báo động. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác đấu tranh phòng, chống TNXH lại càng khó khăn gấp bội. Vì vậy, việc chuyển đổi hình thức, nhất là trong việc sử dụng nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là giới trẻ là yêu cầu bắt buộc, tất yếu của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong giai đoạn hiện nay...

Tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa tệ nạn ma túy trong học sinh cho giáo viên THCS và THPT trên địa bàn thành phố (ảnh tư liệu).

Tại Đà Nẵng, thời gian gần đây, do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, việc thực hiện giãn cách xã hội đã tác động rất lớn đến công tác đấu tranh, phòng ngừa TNXH, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm của các cấp, các ngành và các đơn vị, địa phương. Trước thực trạng trên, nhằm giảm tác hại của TNXH đối với đời sống, các lực lượng chuyên trách, nhất là Chi cục Phòng, chống TNXH (Sở LĐ-TB-XH) thành phố đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó có tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua nền tảng mạng xã hội. Chính sự thay đổi trong cách tiếp cận này, mà công tác tuyên truyền về phòng, chống TNXH trên địa bàn ngày càng được củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt được hiệu quả nhất định, góp phần kiềm chế các hành vi vi phạm pháp luật, đẩy lùi TNXH trong cộng đồng.

Ông Lương Vĩnh Thái - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH cho biết, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nên việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền trực tiếp, trực quan đến các đối tượng chịu ảnh hưởng bị hạn chế rất lớn. Vì vậy, vừa để không bị gián đoạn, vừa đem lại hiệu quả cao, thời gian qua, Chi cục phòng, chống TNXH đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng trên điện thoại thông minh. “Cách làm này không những đến trực tiếp với người dân, mà còn đảm bảo an toàn, giãn cách trong phòng, chống dịch bệnh”, ông Thái nói.

Đồng thời cho biết, nội dung, đối tượng tuyên truyền tập trung vào tầng lớp thanh thiếu niên, phụ huynh có con em trong độ tuổi học sinh, sinh viên, từ đó đem lại kết quả khá tích cực. Ngoài việc tuyên truyền các chủ trương, biện pháp theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, thì Chi cục còn có nhiều sáng kiến mới, có thể kể đến như phối hợp, xây dựng clip với nội dung “Những kỹ năng phòng, tránh tệ nạn ma túy trong học đường” để tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội… Clip này đã thu hút hơn 200 ngàn lượt tiếp cận, được các địa phương khác sử dụng làm tư liệu tuyên truyền. Ngoài ra, còn có các video phổ biến các chính sách dự phòng nghiện và tái nghiện ma túy, lợi ích tham gia chương trình quản lý sau cai nghiện ma túy tại thành phố Đà Nẵng; cách nhận biết tác hại của tệ nạn mại dâm cũng được lan tỏa rộng khắp và nhận sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng xã hội.

Song song với các giải pháp nêu trên, mới đây, Sở LĐ-TB-XH còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tác phim ngắn về nội dung phòng, chống TNXH trong học đường năm 2021 (từ tháng 9 đến tháng 12) nhằm phát động tìm hiểu về TNXH trong học sinh THCS, THPT. “Thông qua cuộc thi này, hy vọng sẽ giúp các em học sinh nhận thức tốt hơn về tác hại của ma túy; giáo dục, trau dồi các kỹ năng sống; tự hoàn thiện bản thân để chiến thắng ma túy, kỹ năng phòng ngừa từ xa, các tình huống nguy cơ; các kỹ năng tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy. Cuộc thi còn là sân chơi bổ ích, lành mạnh, phát huy tính sáng tạo và kỹ năng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh”, ông Thái nhìn nhận.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền về tội phạm và TNXH là một trong những lựa chọn phù hợp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn có những cách làm hiệu quả nhằm tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội. Đơn cử, UBND quận Hải Châu tổ chức 7 buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, các loại tội phạm, phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên ở trọ và các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn. Phối hợp với Chi cục Phòng, chống TNXH cấp phát băng rôn, khẩu hiệu và tờ rơi tuyên truyền về tác hại của ma túy, phòng, chống mại dâm cho 13 phường trên địa bàn quận. Các phường trên địa bàn quận cũng tổ chức gặp mặt các đối tượng là người nghiện ma túy đang quản lý sau cai và số đã hết thời hạn quản lý tại địa phương để giáo dục, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có hướng tạo điều kiện giúp đỡ, hạn chế tái nghiện.

UBND quận Thanh Khê tổ chức 5 lớp tuyên truyền về Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; Luật phòng, chống ma túy; Luật phòng, chống HIV/AIDS và một số văn bản liên quan về lao động cho các nữ nhân viên, tiếp viên và kỹ thuật viên trong các cơ sở doanh dịch vụ trên địa bàn 10 phường với hơn 1.000 người tham dự; phối hợp với UBND các phường mở các lớp tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội tại 10 phường cho các đối tượng nguy cơ cao nghiện ma túy, gia đình, cộng đồng, sau cai nghiện và gia đình họ với hơn 1.000 người tham dự; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; hiểu biết về tác hại của ma túy và thực trạng nghiện của con em mình, từ đó có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn con em quay lại con đường nghiện ma túy. UBND quận Sơn Trà phối hợp với các đoàn thể có liên quan chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS với các mô hình “Tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực...

Có thể khẳng định, nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống TNXH phong phú, đa dạng, nên thời gian gần đây, cho dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 nhưng hầu hết các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, mại dâm và TNXH khác vẫn được duy trì và phát huy khá tốt hiệu quả, góp phần không nhỏ vào công tác đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.

D.H