Hiểu rõ để vươn xa khi EVFTA có hiệu lực
Ngày 1-8-2020, Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu) chính thức có hiệu lực, đã mở ra cơ hội và triển vọng lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Châu Âu. Tuy vậy, EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là làm thế nào để thay đổi phù hợp với EVFTA, với xu hướng hội nhập toàn cầu.
Để được hưởng các ưu đãi về thuế và đáp ứng đủ các điều kiện đưa các sản phẩm của mình vào Châu Âu mà không bị áp dụng các biện pháp trừng phạt, kiểm soát hoặc rơi vào các vụ kiện tụng quốc tế, DN Việt Nam cần lưu ý và nắm rõ một số điểm mới được đề cập trong EVFTA như sau: các biện pháp công nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong EVFTA đã mở rộng các hành vi được xem là sử dụng xâm phạm quyền SHTT, cụ thể: không chỉ sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê mà còn có hành vi tàng trữ với mục đích thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy...; biện pháp bảo hộ thông tin quản lý quyền (RMI) không chỉ bảo vệ thông tin đối với bản gốc mà còn bảo vệ thông tin với bản sao, bản công bố ra công chúng; kiểu dáng công nghiệp bảo hộ không chỉ có sản phẩm hoàn chỉnh mà cả linh kiện, bộ phận nhìn thấy được trong quá trình thông thường; biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn: cơ quan hải quan được chủ động phát hiện và được quyền dừng thông quan hàng hóa nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng quyền của tòa án trong việc quyết định các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm. Trong trường hợp vi phạm có quy mô thương mại, người bị nghi ngờ có hành vi xâm phạm có thể bị bắt giữ hoặc bị phong tỏa động sản và bất động sản, bao gồm phong tỏa tài khoản ngân hàng và các tài sản khác, thu giữ chứng cứ liên quan...
Đối với các chủ sở hữu quyền SHTT đã được bảo hộ ở Châu Âu, các cam kết về SHTT trong EVFTA này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền. Tuy nhiên, đối với các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ về SHTT, muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ. Cùng với đó, các rủi ro vi phạm hoặc vô ý vi phạm và đi kèm là việc bồi thường thiệt hại, chi phí pháp lý do bị xử lý vi phạm... sẽ là một trong những thách thức lớn mà các DN và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ có thể gặp phải. Chính vì vậy, trước xu hướng hội nhập toàn cầu, bản thân DN Việt Nam nên đăng ký bảo hộ các thương hiệu, sản phẩm của mình (các quyền SHTT của mình) tại Châu Âu càng sớm càng tốt để đưa sản phẩm tiến vào thị trường Châu Âu thuận lợi. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì các DN sẽ khó nắm bắt hiệu quả các cơ hội đến từ hiệp định này.
Luật sư NGUYỄN TẤN KHOA
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138