Hồ sơ di sản Hội An – Mỹ Sơn trên bàn hội nghị UNESCO
DI SẢN TRONG LÒNG NGƯỜI Khoa học hiện đại giờ đây đã tìm ra cơ sở vững chắc về mối liên hệ tiệm cận với mức giao tiếp của người nay với người xưa, kể cả những tổ tiên xa xưa nhất đứng ở gốc của cây gia phả loài người: Người sống hôm nay đang thực sự hít thở những phân tử khí từng đi qua buồng phổi của người sống hàng nghìn năm trước; thân xác của những người cổ xưa sau khi hòa vào thiên nhiên lại bằng vô số cách trở thành nguyên liệu tạo nên thân xác của người... đang đọc bài viết này. Thật vi diệu! Hình như điều vi diệu đó cũng góp phần giải thích vì sao chúng ta luôn đoái hoài về người xưa, luôn linh cảm thấy họ hiện diện đâu đó trong từng hơi thở, từng suy nghĩ, từng xúc cảm bản thân mình. Chuyên đề Di sản trong lòng người trong đặc san này mô tả đôi nét về mối liên hệ giữa con người hiện tại với người xưa thông qua tạo vật hiện hữu trên dải đất miền Trung. NGUYỄN LÊ |
Giữa năm 2019, để chuẩn bị cho công tác tuyên truyền Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Khu đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, chúng tôi đã tìm gặp ông Đinh Hài - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam. Ngoài những câu chuyện chưa bao giờ được kể trong suốt 30 năm làm công tác văn hóa, ông Hài còn kết nối chúng tôi tới một nhân vật vô cùng đặc biệt: GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa.
GS.TS Trương Quốc Bình. |
Cuộc phỏng vấn với GS Bình của chúng tôi 2 lần đều diễn ra qua... điện thoại bởi GS Bình đang bận tham dự một hội thảo tại TP Hồ Chí Minh. Dù chỉ gián tiếp chúng tôi vẫn cảm nhận rõ sự hào hứng và xúc động của ông khi nhắc lại câu chuyện cũ.
Năm 1996, Bộ Văn hóa Thể thao khi ấy đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lập hồ sơ khoa học Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trước đó, GS.TS Trương Quốc Bình, Cục phó Cục Bảo tồn Bảo tàng (nay là Cục Di sản văn hóa) được nhận lãnh trách nhiệm phối hợp với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng xây dựng hồ sơ. Không thể kể xiết những khó khăn, chướng ngại trong quá trình lập hồ sơ công nhận di sản nhưng kỷ niệm mà GS Bình khó quên nhất là chuyến đi Maroc dự hội nghị xem xét công nhận Hội An, Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới.
GS.TS Trương Quốc Bình tại Hội nghị lần thứ 23 do Hội đồng Di sản thế giới tổ chức tháng 12-1999. |
GS Bình nhớ lại: “Cuối tháng 11-1999, tôi lúc này cùng bà Hồ Thị Thanh Lâm - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bay sang Paris (Pháp) rồi qua Maroc để tham dự hội nghị. Trên đường ra sân bay tôi tình cờ gặp 2 người quen là ông Trần Bình Minh - Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (thời điểm đó đang là Trưởng ban Thời sự VTV) và ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình (lúc đó đang công tác tại VTV). Biết tôi đang trên đường sang Maroc dự hội nghị quan trọng về Hội An và Mỹ Sơn, ông Minh và ông Lâm hào hứng dặn nếu có tin tức gì thì viết riêng gửi về cho VTV theo dạng “tin độc quyền”.
Được “dặn” như vậy nhưng trong tâm trí của GS Bình và đoàn công tác lúc bấy giờ còn bộn bề nỗi lo trong đó việc quan trọng nhất là làm thế nào để có thể truyền tải hết thông điệp về giá trị của 2 di sản. GS Bình kể: “Nếu chỉ có 1 di sản thôi thì dễ dàng hơn đằng này trọng trách của chúng tôi là phải chuyển tải hết sự kết nối, giá trị văn hóa, thời đại của cả 2 di sản Hội An - Mỹ Sơn trong bài phát biểu ngắn ngủi. Thời điểm đó dù hồ sơ đã được chuẩn bị công phu nhưng cũng chưa chắc đã thuyết phục được hội đồng chuyên môn”. Để thuận tiện hơn trong việc truyền tải thông điệp, ông Bình được “đôn” lên làm trưởng đoàn thay bà Lâm vì khả năng tiếng Anh của ông lưu loát hơn.
Thời khắc căng thẳng nhất chính là lúc đại diện Hungary - một thành viên của 21 quốc gia trong Hội đồng Di sản thế giới đề nghị với Hội đồng Di sản thế giới tạm thời gác hồ sơ của Mỹ Sơn lại để tiếp tục làm công tác nghiên cứu. Lý do họ đưa ra lúc ấy là cần làm rõ sự liên kết giữa núi Ngọc Linh, thung lũng Mỹ Sơn, Cù lao Chàm của Hội An trên một trục tâm linh thông qua dòng sông Thu Bồn. Họ đề nghị UNESCO cho một dự án mới để nghiên cứu, sau đó bổ sung vào hồ sơ rồi hẵng xét. Kiến nghị mà đại diện Hungary đưa ra khi đó rất hợp lý về mặt khoa học nhưng lại khiến đoàn công tác của Việt Nam khi ấy vô cùng “bối rối”.
Từng có kinh nghiệm khi tham gia vào các hội nghị xem xét công nhận quần thể Di tích sẽ đồng ý thông qua việc công nhận di sản”, ông Bình nhớ lại.
Chiều hôm đó, sau khi chắp nối toàn bộ các thông tin, dữ liệu, GS Bình quyết định viết điện fax về cho VTV thông báo cả Hội An, Mỹ Sơn cùng một lúc được công nhận là di sản văn hóa thế giới. “Thú thật khi điện fax về tôi chưa nắm kết quả cuối cùng mà chỉ là... linh cảm. Tôi chỉ nghĩ được một điều là làm thế nào nhanh chóng chia sẻ niềm vui đến với quê hương. Hơn nữa lúc đó cả thường trực của hội đồng di sản UNESCO, đại diện các nước có tiếng nói trọng lượng nhất thì tôi đã vận động, thuyết phục hết rồi. Nếu có thì chỉ có đại diện Hungary phản đối thôi, chắc chắn bỏ phiếu sẽ có phiếu cao, quá bán. Trong khi đó do lệch múi giờ nên nếu đợi khi công bố xong rồi thì các hãng tin quốc tế như CNN, AFP sẽ đưa nhanh hơn mình nhiều. Tôi suy nghĩ kỹ và quyết định... liều một phen. Tôi viết như thế mà hôm sau Mỹ Sơn không được công nhận thì tôi “chết”, tôi đặt cược sinh mệnh chính trị của mình trong việc thông tin về nhà”, GS Trương Quốc Bình chia sẻ.
Và sự “liều lĩnh” của Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa khi ấy đã là một trong những tin tức độc quyền mang đến niềm vui lớn lao cho người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Đặc biệt, thời điểm thông tin Hội An - Mỹ Sơn cùng lúc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến với người dân tỉnh Quảng Nam cũng là lúc trận lũ lịch sử năm 1999 đang ồ ạt đổ về. Giữa dòng nước xiết, tin vui ấy lại thắp lên niềm hy vọng cho người dân về một tương lai mới của miền đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. Rằng, chính sự gian khổ bao đời nay của dải đất này cũng đã góp phần cho văn hóa xứ sở nở hoa.
HÀ DUNG