Hồ thủy điện không thể gây lũ?

Thứ ba, 26/11/2013 07:20

(Cadn.com.vn) - Ngày 25-11, Bộ Công Thương làm việc với lãnh đạo của 8 tỉnh miền Trung và các Bộ, ngành về vấn đề lũ lụt ở miền Trung liên quan đến thủy điện. Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đưa ra nhận định rất khác lạ với nhận thức và phản ánh của người dân vừa đối mặt với những trận lũ kinh hoàng vừa qua và những năm gần đây.

Thủy điện Đắc Mi 4 xả lũ. Ảnh: Nguyên Khôi

THỦY ĐIỆN BỊ… OAN?

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu khẳng định, việc cho rằng một số nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên xả lũ làm ngập lụt lớn ở vùng hạ du, gây thiệt hại lớn về người và tài sản trong đợt lũ lụt vừa qua là chưa phản ánh đầy đủ, khách quan thực trạng. Nguyên nhân chính và chủ yếu gây ra lũ lụt tại khu vực này vừa qua là do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn. Nhiều nơi lũ vượt mức lịch sử, gây thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh ở khu vực này.

Thủy điện góp phần tích cực trong vấn đề tạo nguồn nước!

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng) Đỗ Đức Quân, đánh giá: việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã và đang góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Riêng năm 2012, các nhà máy thủy điện đã đóng góp tới 48,26% công suất và 43,9% sản lượng điện (khoảng 53 tỷ kWh) cho hệ thống điện quốc gia.

Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo và giá thành rẻ hơn các nguồn điện khác. Bên cạnh đó, việc phát triển thủy điện cũng đã góp phần tích cực trong vấn đề tạo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân vùng hạ du, bởi các hồ thủy điện chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước (56/65 tỷ m3).

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của chủ đầu tư các nhà máy thủy điện trong khu vực này cho thấy, việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã thực hiện đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình của từng hồ đã được phê duyệt. Thậm chí các dự án thủy điện đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này theo thiết kế không có nhiệm vụ chống lũ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ nhận định, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh không xả lũ hay gây lũ nhân tạo khiến "lũ chồng lũ" trong đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua. Trong đợt mưa lũ này, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 3 hồ thủy điện đang khai thác và chuẩn bị khai thác gồm Hà Nang, Đăkdrinh, Nước Trong đều để tràn tự do với mức 0,6-0,8m và không xả lũ. Tình trạng nước dâng đột ngột là do mưa quá lớn lại diễn ra trong thời gian ngắn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cũng cho biết, thời điểm xảy ra mưa lớn, hầu hết 73 hồ thủy lợi của tỉnh đều cho chảy qua tràn tự do, 3 hồ cho xả tràn xả sâu với lưu lượng nhỏ. Đặc biệt, đối với 4 hồ thủy điện, tỉnh Quảng Nam giám sát chặt chẽ, có đường theo dõi quá trình lũ của từng hồ.

Khu vực thủy điện Sông Tranh 2 liên tiếp xảy ra động đất

Lúc 1 giờ 55 ngày 25-11, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (H. Bắc Trà My, Quảng Nam) xảy ra trận động đất có cường độ 2 độ Richter.

Theo Viện Vật lý địa cầu cho biết, trận động đất trên xảy ra ở vị trí có toạ độ 15,30 độ vĩ Bắc-108,15 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Theo đánh giá, động đất gây nên rung động trên cấp III (thang MSK 64) tại khu vực tâm chấn.

Ông Lê Văn Tuấn, Chánh Văn phòng UBND H. Bắc Trà My cho biết, đây là trận động đất có cường độ nhẹ và xảy ra vào ban đêm nên chúng tôi không cảm nhận được. Trước đó vào lúc14 giờ 13 ngày 12-11, cũng tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện trận động đất cường độ 2,3 độ Richter tại vị trí có tọa độ 15,57 độ vĩ Bắc -108,22 độ kinh Đông, gây nên rung động trên cấp IV (thang MSK 64) tại khu vực tâm chấn. Theo Viện Vật lý địa cầu, đây là hai trận động đất yếu và không có khả năng gây thiệt hại.

Trần Tân

Trong các thời điểm, mức nước xả đều thấp hơn mức nước đến các hồ. Theo báo cáo, trong 12 giờ đầu của trận lũ, hồ Sông Tranh 2 đã cắt/giảm được 63% lượng nước lũ... Như vậy hiệu quả cắt/giảm lũ của hồ là tích cực. Bên cạch đó, hồ chứa thủy điện Đắc Mi 4 cũng cắt được tới 10,6% lưu lượng đỉnh lũ; tại hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ cắt được 26% lưu lượng đỉnh lũ...

Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng khẳng định, trước khi thủy điện phát triển, trong lịch sử đã có rất nhiều trận lũ lớn như năm 1999 hoặc 2009. Vì vậy, không thể cứ có lũ lớn là đổ lỗi cho hồ thủy điện. Cơn bão số 15 vừa qua diễn ra từ ngày 14 đến 17-11-2013 đã xuất hiện mưa lũ lớn, thậm chí là rất lớn với lượng mưa từ 200 mm đến gần 1.000 mm và xảy ra trên diện rộng.

Những cơn mưa liên tiếp đã khiến tổng lượng nước dồn vào các hồ quá lớn. Theo ông Bùi Minh Tăng, mặc dù trước mỗi trận bão, hầu hết các hồ thủy điện, thủy lợi đều được lệnh xả bớt đưa mực nước xuống thấp hơn bình thường để chuẩn bị tích nước cắt lũ, nhưng nếu nước về vượt quá sức chứa của hồ thì buộc phải xả tràn để giữ đập. Tuy nhiên, việc xả tràn của hồ bao giờ cũng thấp hơn lưu lượng nước về. “Vì vậy, hồ thủy điện chỉ góp phần giảm lũ chứ không thể gây lũ”, ông Tăng nhấn mạnh.

Giữa trời quang mây tạnh, người dân các xã Đại Lãnh, Đại Hưng (H. Đại Lộc, Quảng Nam) phải lưu thông bằng đò vì thủy điện xả lũ, chia cắt giao thông (ảnh chụp ngày 2-10-2013).

CẦN XEM XÉT KỸ HƠN

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, theo báo cáo của các địa phương thời gian vừa qua, các chủ hồ cơ bản đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong vận hành các hồ chứa thủy điện. "Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đưa các quy trình này vào thực hiện khi các nội dung phê duyệt liên quan đến các quy trình đó không phải là hoàn toàn lý tưởng. Do đó, trong thời gian tới, cần xem xét kỹ hơn quy trình vận hành, đặc biệt là vận hành liên hồ chứa; trong đó có hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Nếu phát hiện sai sót, Bộ sẽ yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Vũ Huy Hoàng cho biết sẽ tiếp tục rà soát để bổ sung sửa đổi quy hoạch thủy điện để quy hoạch thực sự bám sát với cuộc sống, để các dự án nằm trong quy hoạch đảm bảo tính khả thi và đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, không xem nhẹ bất cứ vấn đề nào. Đồng thời cũng sẽ rà soát lại các công trình hiện nay đang triển khai xây dựng để đảm bảo các yêu cầu, nhất là chất lượng công trình, an toàn công trình; trong đó có an toàn hồ đập và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Người dân Quảng Nam chạy lụt. Ảnh: Nguyên Khôi

Riêng đợt lũ vừa qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu Tổng cục Năng lượng, Cục An toàn môi trường, Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát lại việc thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa, nếu phát hiện trường hợp nào sai phạm sẽ có biện pháp xử lý nghiêm. “Thậm chí nếu vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng phải có biện pháp xử lý phù hợp với pháp luật và chuyển cho cơ quan chức năng giải quyết”, ông Vũ Huy Hoàng nói.

B.Thùy – TTXVN