Hỗ trợ doanh nghiệp: Có "phao" nhưng khó với
DN đang chịu "cú đấm kép"
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng cho biết, DN đang chịu "cú đấm kép" hậu Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, trở nên khó khăn nhất trong vòng 20 năm qua. Thống kê tại Đà Nẵng khoảng 6 tháng đầu năm nay đã có 2.899 DN ngừng hoạt động (tăng 15,2%) so với cùng kỳ, trong khi số DN quay trở lại hoạt động đã giảm tới 36,3% (tương đương 1.055 DN) so với cùng kỳ. Trong lúc khó khăn này, DN cần được "tiếp sức" để vượt lên thông qua các chính sách hỗ trợ hiệu quả củaTP. Theo ông Phúc, DN cần được hỗ trợ hiện nay là việc được khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí, lãi suất cho vay, được tiếp cận các nguồn vay hiện có với thủ tục đơn giản. Ngoài ra, TP cần triển khai mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ DN mà HĐND và UBND TP đã ban hành; sẵn sàng sửa đổi, bổ sung các chính sách mới để thúc đẩy, khai thông nguồn lực mới trong bối cảnh mới.
Hiện TP đang triển khai 45 chính sách hỗ trợ DN (trong đó thực hiện 28 chính sách của T.Ư, 17 chính sách riêng của TP). Mặc dù các chính sách của T.Ư đều được thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao của DN, trong khi các chính sách của TP còn hạn chế về đối tượng áp dụng, mức hỗ trợ, điều kiện được thụ hưởng…Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm cho biết, với 17 chính sách riêng của TP hiện đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 1.684 DN, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất với tổng kinh phí hơn 123 tỷ đồng. Ngoài ra, TP hỗ trợ 63,5 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ giá thuê đất cho các tổ chức, cá nhân; hỗ trợ 23 tỷ đồng cho 1.028 lượt tàu cá của 909 chủ tàu. Bà Tâm cho biết, qua rà soát, một số chính sách hỗ trợ DN của TP đang triển khai có hiệu quả trên thực tế. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ giảm tiền sử dụng hạ tầng cho doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất trong Khu công nghệ cao và các KCN chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; chính sách hỗ trợ lãi suất đối với DN nhỏ và vừa vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển TP Đà Nẵng để thực hiện dự án phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19; chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch TP; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Mặc dù vậy, Giám đốc Sở KH&ĐT cũng chỉ ra một số chính sách hỗ trợ DN của TP còn hạn chế, chưa có nhiều nhà đầu tư tiếp cận và được thụ hưởng. Đơn cử như chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (từ năm 2021 đến nay chưa có DN nộp hồ sơ); chính sách phát triển công nghệ thông tin (từ năm 2019 đến nay hỗ trợ được 2 lượt DN). Theo bà Tâm, các chính sách hỗ trợ của TP được giao cho các sở ngành chủ trì thực hiện. Một số chính sách hiện đang được các ngành đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, mở rộng đối tượng, mức hỗ trợ và các điều kiện thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện để nhiều DN được tiếp cận, thụ hưởng. Nổi bật như chính sách hỗ trợ để xúc tiến thương mại; chính sách khuyến khích xã hội hóa; chính sách phát triển khai thác hải sản; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ.
Khó tích hợp để dễ tiếp cận
Trong các giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng từ nay đến cuối năm thì việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh có vai trò hết sức quan trọng. Và để hỗ trợ cộng đồng DN phục hồi sản xuất kinh doanh đòi hỏi các chính sách hỗ trợ DN trên địa bàn TP cần được tích hợp, đồng bộ, dễ tiếp cận. Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, vấn đề này từng được thường trực HĐND TP chỉ đạo, UBND TP giao cho Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan thực hiện. Tuy nhiên, theo ý kiến của các sở ngành, các chính sách hiện hành đang áp dụng riêng cho từng lĩnh vực, từng ngành nên thuận lợi trong việc hướng dẫn, hỗ trợ DN, do đó các đơn vị đề xuất không tích hợp chính sách và vẫn thực hiện các chính sách như hiện nay. Lý do việc không tích hợp vì các chính sách hỗ trợ DN được các sở ngành nghiên cứu, tham mưu ban hành trên cơ sở quy định của trung ương, tình hình thực tế, nhu cầu của DN tại địa phương, phù hợp với yêu cầu thu hút đầu tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP vào từng thời điểm, giai đoạn nhất định. Do đó, các chính sách hỗ trợ DN trong từng ngành, lĩnh vực có các nội dung đặc thù khác nhau, hỗ trợ các nhóm đối tượng doanh nghiệp khác nhau (một số chính sách hỗ trợ áp dụng đồng thời cho nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có doanh nghiệp) với các quy định về điều kiện thụ hưởng, thành phần hồ sơ, thời gian triển khai chính sách, mức hỗ trợ khác nhau...
Bà Trần Thị Thanh Tâm cũng cho biết, việc tích hợp, đồng bộ chính sách chỉ tạo sự tiện lợi trong việc tra cứu chính sách nhưng đặt ra nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế khác. Chẳng hạn như các chính sách hỗ trợ DN do các ngành triển khai có thời gian áp dụng chính sách khác nhau, có chính sách chỉ áp dụng trong 1 năm, một giai đoạn, hoặc áp dụng trong thời điểm đặc thù như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... nên khi tích hợp chung vào 1 văn bản sẽ không có sự đồng bộ, thống nhất. Mặt khác, các chính sách của TP thường được ban hành trên cơ sở quy định của T.Ư, do đó các ngành thường xuyên rà soát, điều chỉnh để phù hợp với quy định của T.Ư. Việc điều chỉnh từng chính sách trong tổng thể chính sách chung gây nên nhiều bất cập, văn bản quy định chính sách chung sẽ bị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhiều lần (do các chính sách của các ngành có sự điều chỉnh)
Như vậy, dù có nhiều chính sách hỗ trợ DN, cả của T.Ư lẫn riêng của Đà Nẵng, tuy vậy được quy định rời rạc trong nhiều lĩnh vực, điều kiện tiêu chí khác nhau, khắt khe, dẫn đến việc tiếp cận của DN rất khó khăn. Thành thử chính sách để hỗ trợ DN nhưng DN lại không được hỗ trợ, giống như có phao nhưng trong lúc chới với mà không thể bắt được.
HẢI QUỲNH