Họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh với thế giới tuổi thơ

Thứ bảy, 11/03/2017 09:50

(Cadn.com.vn) - Họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh là một trong những họa sĩ cùng thời với các họa sĩ tên tuổi: Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân,  Nguyễn Gia Trí... Ông còn là họa sĩ chuyên minh họa trên các báo thời xưa, nhất là báo thiếu nhi. Họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh sinh ra trong một gia đình trung lưu Hà Nội. Học xong cấp ba  tại trường Bưởi, ông thi vào Mỹ thuật Đông Dương. Ra trường, ông dạy học, cộng tác với nhiều tờ báo, trong đó vẽ tranh cho nhiều tờ báo thiếu nhi. Trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh ở Việt Nam, từ 17, 18 tuổi ông đã vẽ truyện “Kaoco”. Năm 1935, Mạnh Quỳnh đã là cây cọ chủ lực của tờ báo thiếu nhi “Cậu Ấm-cô Chiêu”. Truyện ngụ ngôn La Fontaine dịch sang tiếng Việt được ông minh họa rất thú vị, mang đậm đặc  bản sắc Việt. Nhà thơ Vũ Đình Liên cho rằng: “Học sinh thuộc La Fontaine một phần cũng nhờ những minh họa của anh (họa sĩ Mạnh Quỳnh) cho tập ngụ ngôn này”. Còn cuốn Truyện Kiều, ông lại vẽ ra hình ảnh phụ nữ tân thời trong chiếc áo dài Cát Tường (tiền thân áo dài Việt Nam).Về sau, ông cũng là người đầu tiên làm phim hình trên giấy, phim Thạch Sanh, mở đoàn múa rối cho thiếu nhi đầu tiên... Với khát vọng xây dựng, lưu giữ  hồn dân tộc trong mỹ thuật truyền thống, năm 1947, tại Chiến khu Việt Bắc, ông lập một xưởng làm tranh sơn mài. Họa sĩ cũng là người vẽ 2 tờ giấy bạc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm cảm hứng sáng tạo của họa sĩ Mạnh Quỳnh. Suốt đời say mê với lịch sử và văn hóa nước nhà, ông đã vẽ minh họa các sách “Chinh phụ ngâm”, “Lục Vân Tiên” và đặc biệt những bức vẽ minh họa “Kim Vân Kiều truyện” được bạn đọc hào hứng đón nhận. 80 năm sau, các minh họa này được chọn trưng bày tại lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh cũng là dịp Đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa thế giới (cuối năm 2015). Ông cũng là một trong những họa sĩ có biệt  tài vẽ tranh thủy mặc, tạo được phong cách rất Việt Nam. Trong sách có in 24 bức mô tả cảnh đẹp Việt Nam, từ phong cảnh hồ Hoàn Kiếm đến cuộc sống muôn màu ở khắp các làng quê.

Chân dung họa sĩ Mạnh Quỳnh.

Kể lại những kỷ niệm ấn tượng về họa sĩ Mạnh Quỳnh, em trai của ông là Ngô Đình Châu  cho biết: “Anh tôi có một đời sống rất kỷ luật, ham thích thể thao, hàng ngày đều tập, mặc dù trời mùa đông ở miền Bắc rất lạnh, nhưng tập xong bao giờ anh cũng đi tắm và bao giờ cũng tắm nước lạnh. Anh lại không biết uống rượu, rất ghét cờ bạc, cũng không hút thuốc, cứ mỗi mùa hè anh lại lên Phú Thọ tập luyện võ với ông tri phủ Cung Đình Vận. Bản tính anh rất đôn hậu, trầm lặng ít nói và đã hứa với ai điều gì thì luôn giữ đúng lời hứa, luôn luôn đúng giờ giấc cho mọi công việc... Tôi còn nhớ lúc còn nhỏ, anh vẽ thì tôi mài mực tàu cho anh, anh chuyên vẽ bằng bút lông mèo, mỗi khi thân phụ tôi qua Vân Nam thường mua về cho anh rất nhiều bút và thỏi mực tàu. Anh tôi đi mua những sách học vẽ cho trẻ em, bắt tôi và chú em tôi học vẽ, muốn tôi theo nghiệp của anh, nhưng tôi thì lại không thích vẽ, nên bị đánh đòn nhiều, trái lại chú em tôi lại thích vẽ, không ngờ sau này theo nghiệp anh tôi lại thành tài: họa sĩ Ngô Đình Chương. Sau này Chương làm theo ý nguyện của anh tôi, cộng tác với xưởng phim Hoạt họa Hà Nội và làm được mấy cuốn phim như Thạch Sanh và những phim truyện ngắn mà tôi lâu ngày không nhớ hết tên”.

Họa sĩ Mạnh Quỳnh luôn hướng đến sáng tác về thế giới tuổi thơ.

Ông được tặng Huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam. Các con của ông đều theo nghề cha là họa sĩ Ngô Quỳnh Giao, nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương và họa sĩ Ngô Quỳnh Nga. Họa sĩ mất năm 1991, hưởng thọ 74 tuổi. Sách “Mạnh Quỳnh họa sĩ-Cuộc đời và sự nghiệp mỹ thuật” còn giới thiệu nhiều tài liệu quý, trong đó có bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi họa sĩ ngày 7-9-1974: “Nhân dịp cảm ơn họa sĩ tôi thấy cần nói lại với anh chị em hoạt động trên mặt trận nghệ thuật một điều: Nước ta đẹp, dân ta đẹp, sự nghiệp ta đẹp, tâm hồn người nghệ sĩ phải đẹp mới sáng tạo ra tác phẩm đẹp”.

Trần Trung Sáng