Hoàn cảnh ngặt nghèo của một giáo viên bị suy thận

Thứ năm, 27/04/2023 08:38
Trò chuyện về bệnh tình của mình, thầy Bùi Ngọc Hà (1988) - giáo viên môn Giáo dục thể chất, trường Tiểu học An Khê, Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) không giấu nổi gương mặt buồn, chất chứa bao nỗi lo âu:“Bác sỹ nói tôi có 2 lựa chọn: một là chạy thận tuần 3 buổi từ nay đến hết đời, hai là ghép thận và uống thuốc đều đặn hàng ngày. Khi nghe thông báo chi phí ghép thận, vợ ôm lấy tôi rồi khóc. Tôi chỉ mong mọi điều tốt đẹp để có thể tiếp tục giấc mơ ngày ngày lên lớp với học trò”.

Thầy Bùi Ngọc Hà (giữa) được đánh giá là giáo viên có nhiều năng lực trong bộ môn Giáo dục thể chất, năng nổ trong hoạt động phong trào, được đồng nghiệp quý mến.
Thầy Bùi Ngọc Hà (giữa) được đánh giá là giáo viên có nhiều năng lực trong bộ môn Giáo dục thể chất, năng nổ trong hoạt động phong trào, được đồng nghiệp quý mến.

Suốt 3 năm qua, dù biết bệnh tình của mình nhưng thầy Hà vẫn kiên trì uống thuốc, đi khám bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ và lên lớp đều đặn. Thầy vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và hỗ trợ nhà trường nhiều công việc không tên bởi trường Tiểu học An Khê đa phần là giáo viên nữ. Chiến đấu với bệnh tật và đưa phong trào thể dục thể thao của trường luôn nằm trong top 5 trường mạnh nhất của Q. Thanh Khê, 2 năm học vừa qua, thầy Hà liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, được Chủ tịch UBND TP tặng Bằng khen. Nhưng rồi niềm vui với nghề cũng không thể nào khỏa lắp được nỗi âu lo, khi đồng lương của giáo viên thể dục và thu nhập từ công việc quản sinh của vợ phải dùng hết cho việc mua thuốc uống hàng ngày để cầm cự bệnh suy thận giai đoạn cuối.

Tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao năm 2010, thầy giáo quê Lệ Thủy, Quảng Bình quyết tâm ở lại tìm việc làm tại Đà Nẵng. Bắt đầu từ việc huấn luyện ở Liên đoàn Bóng bàn Đà Nẵng đến việc lăn lộn đi dạy hợp đồng ở nhiều trường tiểu học, cuối cùng ước mơ của Hà cũng trở thành hiện thực khi vượt qua các kỳ thi để trở thành giáo viên biên chế của trường Tiểu học An Khê. Nhìn thầy giáo trẻ trách nhiệm, yêu thương học trò, sẵn sàng xắn tay làm hết mọi việc nặng nhọc trong nhà trường, Ban Giám hiệu (BGH) và các đồng nghiệp hết sức cảm phục. Đồng lương của giáo viên biên chế tuy không cao nhưng là nguồn thu nhập ổn định cuộc sống của vợ chồng và 2 đứa con nhỏ. Vợ Hà tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ nhưng chưa có việc làm, được nhà trường tạo điều kiện hợp đồng làm quản sinh, đồng lương ít ỏi lại không cố định nên khi học sinh nghỉ hè lại phải tìm việc làm thêm. Cuộc sống dẫu khó khăn nhưng bình yên, đến năm 2019 mọi thứ bỗng như đổ sụp trước mắt đôi vợ chồng trẻ khi Hà được bác sỹ thông báo bị suy thận giai đoạn cuối sau một lần đi khám bệnh vì huyết áp cao bất thường. “Tôi nghĩ cuộc sống đã không phụ mình sau nhiều năm lăn lộn, tâm huyết với nghề. Ai ngờ đã khó khăn lại mắc phải căn bệnh quái ác. Vừa điều trị bệnh vừa bám lớp, chưa bỏ một tiết học nào của học sinh, nhưng nghĩ đến những ngày sắp tới tôi chưa biết phải làm sao”- thầy Hà trầm ngâm. Sau thời gian dành hết tiền lương hàng tháng để mua thuốc uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ nhưng không có tiến triển, thầy giáo trẻ quyết định dừng lại để tìm hiểu và lựa chọn giữa việc chạy thận hoặc ghép thận mới mong sức khỏe ổn định. Theo giải thích của bác sỹ, bệnh tình ngặt nghèo của Hà bắt nguồn từ việc lúc nhỏ bị viêm cầu thận nhưng không được phát hiện, để chuyển biến thành mãn tính, dẫn đến suy thận mãn như bây giờ. Ở giai đoạn hiện tại, bệnh nhân chỉ còn 2 lựa chọn: chạy thận tuần 3 buổi mãi về sau hoặc ghép thận và uống thuốc đều đặn hàng ngày. Tuy nhiên, khi nghe Bệnh viện Trung ương Huế thông báo chi phí cho một ca ghép thận quá lớn, nằm ngoài khả năng xoay xở của gia đình, vợ Hà không cầm được nước mắt. Chị nghẹn ngào thổ lộ: “Khó khăn lắm anh ấy mới có được một công việc ổn định theo đúng mơ ước. Tôi thì tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ ra nhưng tìm việc quá khó, nhà trường thương hoàn cảnh nên bố trí cho làm hợp đồng quản sinh. Giờ hai đứa con nhỏ, ngay cả nơi ở cũng phải nhờ ông bà ngoại. Chi phí để ghép thận có khi cả đời chúng tôi cũng không tích cóp được. Bệnh viện hẹn cuối tháng 5 sẽ tiến hành nhưng hiện tại chưa biết xoay đâu ra tiền”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng trường Tiểu học An Khê cho biết, nhắc đến hoàn cảnh thầy Bùi Ngọc Hà đồng nghiệp nào cũng thương. Khi biết bệnh tình của thầy, BGH, tổ chức Công Đoàn, Chi bộ cũng huy động đóng góp để giúp đỡ nhưng số tiền quyên góp được quá ít ỏi so với chi phí điều trị. Hiện nhà trường cũng đã có báo cáo hoàn cảnh của thầy đến Quận ủy, UBND quận, Phòng Giáo dục, tổ chức Công Đoàn ngành để có thể chung tay hỗ trợ một giáo viên tâm huyết, đầy trách nhiệm với nghề nhưng đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. “Với sự đùm bọc, giúp đỡ của mọi người, thầy Hà vừa điều trị bệnh vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nhưng phía trước là một chặng đường rất khó khăn, không chỉ của cá nhân thầy mà cả gia đình, nhà trường. Mong cộng đồng có thể dang tay giúp đỡ để thầy được tiếp tục với công việc đã tâm huyết lựa chọn”- cô Hương mong mỏi.

Thầy Bùi Ngọc Hà đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các tấm lòng hảo tâm để có thêm chi phí thực hiện ca ghép thận vào cuối tháng 5 này. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về thầy Bùi Ngọc Hà – giáo viên trường Tiểu học An Khê, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng, điện thoại 0935560078, số tài khoản 2003201049884 ngân hàng Agribank. Bạn đọc cũng có thể ủng hộ thầy Hà thông qua Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, địa chỉ 62 Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng.

Công Khanh