Học sử qua tên đường

Thứ ba, 07/03/2017 10:40

(Cadn.com.vn) - Cùng với sự phát triển không ngừng về kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng là hạ tầng đô thị với nhiều con đường, khu dân cư mới ra đời. Và tất nhiên, nhiều con đường được gắn tên mới, cũng như sẽ tiếp tục được gắn trong những năm tiếp theo. Một thực tế là, cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều, càng nhanh những tên đường mới  là kèm theo những dấu hỏi đặt ra trong đầu nhiều người, nhất là thế hệ trẻ về tên đường đó nói về nhân vật nào? địa danh, sự kiện gì... Tên đường, không đơn thuần là chỉ dẫn địa lý mà còn là yếu tố thể hiện văn hóa, bề dày lịch sử của dân tộc, chỉ những người có công, có cống hiến nhiều cho đất nước, cho thành phố mới được lấy tên đặt cho đường. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa tên con đường mình đi qua hay đang sống. Ở Đà Nẵng, ngoài những tên đường nghe khá quen thuộc, nhiều người biết như Quang Trung, Trưng Nữ Vương, Tố Hữu, Hùng Vương, Điện Biên Phủ... thì ngày càng có nhiều những tên đường lạ lẫm mà nhiều người có tuổi cũng "bó tay", chưa nói đến các em học trò. Ngay như người viết, không đến nỗi lười nhác trong việc tìm hiểu lịch sử, địa lý... qua sách báo, qua mạng, nhưng cũng chịu thua, không biết hết tên những con đường mới được đặt ở thành phố, nói về nhân vật nào. Vậy thì tại sao chúng ta không kết hợp gắn một bảng giới thiệu tóm tắt ngay phía dưới bảng tên đường về những nhân vật, sự kiện, địa danh... liên quan đến con đường đó? Việc này, TPHCM, Hà Nội  đã làm, được đông đảo nhân dân ủng hộ và Đà Nẵng cũng nên nghiên cứu, làm thí điểm.

Các cháu mẫu giáo ở Hà Nội say sưa học lịch sử từ những biển đường phố
qua sự hướng dẫn của cô giáo.

Không gắn bảng giới thiệu tóm tắt về lai lịch của danh nhân hay sự tích của sự kiện lịch sử được đặt tên đường nhưng Q. Ngũ Hành Sơn cũng có một cách làm hay là đặt tượng danh nhân tại một vị trí thuận lợi, thường là trên dải phân cách của con đường mang tên danh nhân đó. Đây cũng là một cách giới thiệu về lịch sử, tiểu sử của các nhân vật được đặt tên cho con đường đó. Và tất nhiên sẽ dễ  tạo ra ấn tượng khó quên cho  những ai quan tâm đến con đường mà mình đi qua. Bên cạnh đó, hàng năm, tại mỗi kỳ họp HĐND thành phố, đều thông qua Đề án đặt đổi tên đường của thành phố, sau một quá trình chuẩn bị, xét duyệt của Hội đồng đặt đổi tên đường thành phố. Hiện tại, đối với những con đường đã được đặt tên, có lẽ việc thay đổi là khó thực hiện, trừ những trường hợp ngoại lệ nhưng trong tương lai, trước khi đặt tên cho các con đường mới, nên xác định tiêu chí đặt tên nhân vật, sự kiện lịch sử có liên quan đến nhau hoặc mang tính kế thừa ở cùng một khu vực một địa bàn gần nhau để tăng khả năng nắm bắt lịch sử (chẳng hạn đường Quang Trung nối ra đường Đống Đa như đang có). Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến việc những con đường lớn sẽ đặt tên là những nhân vật nổi tiếng, những sự kiện lớn cho tương xứng, tương tự là nhưng con đường vừa, đường nhỏ cũng sẽ có những cái tên phù hợp.

Sinh thời, Bác Hồ đã từng căn dặn "Dân ta phải biết sử ta", trong khi việc học sử, việc tìm hiểu qua sách báo, phim ảnh về lịch sử còn nhiều hạn chế trong lớp trẻ thì việc kết hợp giới thiệu về lịch sử dân tộc qua các tên đường là một việc nên làm. Biết rõ về ý nghĩa tên đường, người dân, nhất là thế hệ trẻ, sẽ hiểu rõ hơn về nguồn cội, lịch sử và trân trọng, tri ân những gì mình đang được thụ hưởng.

Dân Hùng