Hội An thấp thỏm lo cháy nhà cổ
(Cadn.com.vn) - Vụ cháy ở ngôi nhà cổ vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ lửa thiêu rụi các di tích phố cổ Hội An.
Cột nhà trơ trụi, bức tường ám khói và nhiều vật dụng bị cháy đen, đó là những gì còn lại của ngôi nhà cổ 76 - Nguyễn Thái Học (Hội An), sau cơn hỏa hoạn xảy ra chiều 12-11. Vụ cháy trên đã khiến cho người dân phố cổ Hội An một phen hoảng sợ, bởi ngôi nhà 76 -Nguyễn Thái Học là nơi kinh doanh vải nên lửa rất dễ cháy lan qua nhiều ngôi nhà khác, rất may người dân và lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Nam kịp thời khống chế. Thiệt hại về tài sản trong vụ cháy không nhiều nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu của ngôi nhà cổ, vốn là tài sản vô giá đối với Hội An.
Vụ cháy xảy ra ở ngôi nhà 76- Nguyễn Thái Học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo hỏa hoạn |
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa thành phố Hội An cho biết, đây là vụ cháy nghiêm trọng thứ 3 ở phố cổ Hội An trong những năm qua. Năm 2012, ngôi nhà cổ 94- Trần Phú bị "Bà Hỏa" viếng thăm, đến năm 2013 tiếp tục ngôi nhà 134 - Trần Phú cũng phát lửa, bây giờ là đến nhà 76 - Nguyễn Thái Học. Trong lịch sử, cũng đã từng xảy ra một số vụ cháy cả khu phố cổ. "Nếu như di tích, nhà cổ xuống cấp có thể trùng tu, tôn tạo thì các vụ cháy sẽ khiến di tích mất dạng. Vì vậy hỏa hoạn đe dọa nghiêm trọng đến các di tích ở phố cổ Hội An", ông Trung trăn trở.
Việc phòng chống hỏa hoạn ở phố cổ đã được chính quyền Hội An đặt ra từ lâu, tuy nhiên nguy cơ vẫn luôn rình rập, khi trong các khu phố cổ dày đặc các cơ sở kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như quần áo, vải vóc... Hầu như tất cả các ngôi nhà cổ mặt tiền ở Hội An đều dùng để kinh doanh kết hợp với cư trú. Mật độ dân số ở phố cổ cũng rất đông với hơn 12.000 người/km2. Vì thế chỉ cần một hành động bất cẩn, cũng sẽ khiến lửa cháy lan khắp phố cổ. Trong khi đó, hệ thống cấp nước cứu hỏa ở Hội An rất lạc hậu. Trong vụ cháy nhà 76-Nguyễn Thái Học vừa qua, các trụ lấy nước cứu hỏa ở các khu phố Hội An không hoạt động, khiến công tác dập lửa khó khăn.
Với nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng dễ cháy, phố cổ Hội An tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết rất lo lắng khi phố cổ Hội An xảy ra cháy. "Nhà cổ, di tích cổ là tài sản vô giá của Hội An, nếu để cháy xảy ra thì không thể khôi phục được giá trị lịch sử của nó". Theo ông Sơn, lo ngại tình trạng hỏa hoạn, thành phố đã bắt buộc các hộ dân và cơ sở kinh doanh trang bị bình cứu hỏa, chính việc này đã ngăn chặn kịp thời những vụ cháy nhỏ xảy ra. "Nhưng những bình cứu hỏa không thể ngăn chặn được những vụ cháy lớn, trong khi đó hệ thống cấp nước cứu hỏa trên địa bàn thành phố đã lạc hậu, không thể phát huy tác dụng khi có cháy lớn xảy ra. Trước đây, trong quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An, chúng tôi có đề xuất Trung ương cấp kinh phí gần 200 tỷ đồng để xây dựng hệ thống PCCC. Đây là hệ thống cảnh báo cháy hiện đại được triển khai ở từng di tích, từng nhà dân, nước sẽ lập tức phun ra nếu có báo động cháy. Tuy nhiên vì kinh phí quá lớn nên chưa thể thực hiện, phải chờ Trung ương hỗ trợ", ông Sơn nói. Trước những nguy cơ tiềm ẩn về hỏa hoạn, ông Sơn cho biết thành phố sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp nữa để phòng chống như yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải có người túc trực qua đêm, không được dùng nhà cổ làm kho chứa hàng hóa... "Nhiều cơ sở kinh doanh ở phố cổ Hội An đóng cửa mà không có người trông coi sau 22 giờ, thế nên không có người phát hiện, dập lửa kịp thời. Vì vậy thành phố sẽ yêu cầu tất cả các cơ sở này phải bố trí người trông coi, nếu không sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh. Thành phố cũng sẽ thành lập đoàn khảo sát thực trạng PCCC ở các hộ dân và cơ sở kinh doanh. Nếu để xảy ra hỏa hoạn ở phố cổ thì thiệt hại vô cùng lớn, nhất là những di tích hàng trăm năm tuổi. Vì vậy, chúng tôi sẽ thực hiện việc này nghiêm ngặt, đặt nhiệm vụ PCCC cho phố cổ lên hàng đầu", ông Sơn chia sẻ.
Hoàng Anh