Hồi ký phóng viên chiến trường
Đọc hồi ký "Phóng viên chiến trường" của nhà báo Trần Mai Hưởng (do NXB Thông tấn và Công ty cổ phần sách Alpha Books phối hợp xuất bản) sẽ giúp chúng ta nhìn lại tường tận hơn những năm tháng chiến tranh, hiểu sâu hơn một thời tuổi trẻ xông pha dấn thân của chính tác giả, cũng như những đồng nghiệp làm báo một thời lửa đạn.
Trần Mai Hưởng và anh trai là Trần Mai Hạnh là hai nhà báo nằm trong số những nhà báo có mặt sớm nhất ở Dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975. Đây hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên với một nhà báo xông xáo, bản lĩnh, dấn thân và sẵn sàng dấn thân như một người lính để phụng sự Tổ quốc, khi vũ khí của họ là chiếc máy, trang giấy, cây bút…
Đọc hồi ký còn giúp chúng ta biết hơn, hiểu hơn tác giả hồi ký cùng một số đồng nghiệp làm báo của cơ quan TTXVN đã có mặt ở rất nhiều sự kiện, thời khắc lịch sử một đi không trở lại. Đó là cả một hành trình dấn thân, đi vào chiến trường để làm phóng viên chiến trường. Điều này cũng cắt nghĩa vì sao, nhà báo Trần Mai Hưởng là người đã trải qua mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Quảng Trị, rồi là một trong những nhà báo đầu tiên vào Huế, Đà Nẵng khi vừa giải phóng; có mặt ở Phnom Penh đúng ngày 7-1-1979, khi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội Campuchia tiến vào lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot... rồi có mặt ở các mặt trận ác liệt khác trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Quay lại sự kiện lịch sử cách đây gần nửa thế kỷ, vào chiều 29-4-1975, nhà báo Trần Mai Hưởng hành quân theo đội hình của mũi thọc sâu. Các anh Hứa Kiểm và Đinh Quang Thành đi theo xe thiết giáp. Các anh là những tay máy chủ lực nên việc đi theo thiết giáp sẽ giúp các anh cơ động tốt hơn. Chiếc xe com -măng- ca Liên Xô cũ kỹ của tổ phóng viên lọt thỏm giữa những chiếc xe tăng T54, xe thiết giáp, xe tải quân sự GMC to lớn. Cả đoàn tiến về xa lộ Biên Hòa- Sài Gòn... Tiếng súng rộn lên phía trước, báo hiệu các trận đánh vẫn đang tiếp diễn- những trận đánh cuối cùng của chiến tranh. Đám lính tăng reo hò: Cho chúng em xin một kiểu ảnh gửi về quê các nhà báo ơi. Trong ông tự nhói lên ý nghĩ: Ai trong số họ sẽ là những người hy sinh trong khoảnh khắc cuối cùng này. Rạng sáng 30-4-1975, mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, máy ảnh trên tay ông chỉ còn 13 kiểu phim... xe của cánh nhà báo cũng đã tiến về phía Dinh Độc Lập. Chiếc xe đầu tiên cũng đã đến cách đó ít phút. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập đã bị hất tung. Lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh Sư đoàn 304 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo. Nhà báo Trần Mai Hưởng đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh đẹp tuyệt vời đó. Đó chính là bức ảnh "Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30-4-1975". Ngay sau đó, tấm ảnh này được chuyển ra Hà Nội, VNTTX phát đi, được sử dụng rộng rãi và trở thành biểu tượng quen thuộc của đại thắng mùa xuân cho đến ngày nay (Phim gốc của tác phẩm mang số hiệu AB 3698 hiện đang lưu giữ tại Kho Tư liệu ảnh quốc gia của TTXVN).
Theo nhà báo Trần Mai Hưởng, đó là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của ông. Điều đặc biệt khá lôi cuốn với thế hệ những người làm báo nói riêng, bạn đọc nói chung, đó là những câu chuyện về nghề mà tác giả hồi ức đầy chất lính, chất thơ trong bối cảnh từ hậu phương đến chiến trường; những câu chuyện nghề của người làm báo khi các phương tiện máy móc còn khá thô sơ. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra và có lời giải đáp tức thời đó là làm sao khai thác, sử dụng tư liệu cho bài viết nhanh nhất, sinh động nhất, tốt nhất, gửi bài vở ra Hà Nội nhanh nhất... một cách hết sức giản dị, thú vị. Đó còn là những câu chuyện bên ngoài các trang viết và các bức ảnh. Ví như trở lại Hiền Lương, nhà báo Trần Mai Hưởng đã có thơ: "Đất nước mình bao nhiêu dòng sông/Nhưng duy nhất chỉ Hiền Lương là một/ Mong những chia cắt một thời mãi liền da thịt/Trong lòng sông và cả lòng người" hay trong "Phóng viên chiến trường" ông đã tự sự: "Tóc râu giờ bạc trắng/Mà toàn nói chuyện một thời còn xanh/Mấy lần thần chết gọi tên/Còn duyên còn nợ chưa đành ra đi...".
Hồi ký: "Phóng viên chiến trường" nhà báo Trần Mai Hưởng cũng đã dành những trang viết tưởng nhớ đồng đội đã anh dũng hy sinh. Họ đã ngã xuống trên các chiến trường, họ đã dâng hiến sự sống, điều quý giá nhất của mỗi đời người cho sự nghiệp cách mạng như nhà báo Phan Hoài Nam, nguyên Trưởng phòng biên tập của TTXGP, sinh ngày 9-10-1940 quê xã Điện Quang, Điện Bàn. Anh theo gia đình tập kết ra Bắc rồi tình nguyện vào Nam làm nhiệm vụ của người làm báo, hy sinh năm 1968 tại mặt trận Cần Giuộc (Long An). Nhà báo Thẩm Đức Hòa viết lá thư cho vợ đề ngày 19-11-1967 nhưng bốn ngày sau tức 23-11-1967 anh đã hy sinh tại mặt trận Thừa Thiên- Huế... Đó là các câu chuyện ở các phân xã chiến trường ác liệt như phân xã TTXGP Quảng Đà, khu 5. Sau Mậu Thân 1968 các nhà báo Trần Mai Hạnh, Lương Thế Trung, Nguyễn Quốc Toản... cùng nhân viên kỹ thuật đã chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, bằng các tin, bài, hình ảnh gửi ra Hà Nội kịp thời phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Quảng Nam -Đà Nẵng. Đó là các bài viết về gương dũng sĩ Phan Hành Sơn, cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng ở Quảng Nam, phong trào đấu tranh đô thị nội thành Đà Nẵng... góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh chung vào một thời kỳ rất gay go ác liệt.
Thay lời kết, như một tâm niệm mà nhà báo Trần Mai Hưởng: "Với một người may mắn trở về, sự sống trong mỗi chúng tôi luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt. Vì thế, sống sao cho xứng đáng, sống cho cả mong ước của những người không trở về, luôn là một câu hỏi lớn cho mỗi con người hôm nay". Nhà báo Lê Quốc Minh- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhận xét sau: "Với tư cách Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tôi mong rằng mỗi người làm báo chúng ta đều đọc "Phóng viên chiến trường" của nhà báo kỳ cựu Trần Mai Hưởng một lần. Và tôi cũng mong rằng, cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng để bạn bè năm châu hiểu hơn về con người và Tổ quốc thân yêu của chúng ta" .
Võ Văn Trường