Hội nghị Thượng đỉnh NATO bàn các vấn đề quan trọng
Công bố "khái niệm chiến lược mới" nhằm vào Nga, Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến thông qua "khái niệm chiến lược mới"- khái niệm chiến lược đầu tiên kể từ năm 2010- nhằm vào cả Nga và Trung Quốc. Theo báo El Pais của Tây Ban Nha, đây được coi là nỗ lực nhằm duy trì trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh do phương Tây chi phối, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho rằng đã đến lúc sụp đổ.
Báo El Pais cho hay hội nghị sắp tới sẽ đánh dấu một "bước ngoặt" trong lịch sử khối NATO thời hậu Chiến tranh Lạnh, khi liên minh này dự kiến trải qua "một kiểu tái thành lập" thông qua "Khái niệm Madrid". Đây là mô hình chiến lược mới mà các nguồn tin nói với tờ báo Tây Ban Nha rằng sẽ đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ của NATO với Nga. NATO sẽ thay đổi đáng kể định nghĩa về Nga trong khái niệm chiến lược mới. Cho đến nay, Nga vẫn được coi là một quốc gia "không có bất kỳ mối đe dọa nào" với NATO. Thậm chí, quan hệ giữa hai bên còn được mô tả là mang "tầm quan trọng chiến lược". Tuy nhiên, trong khái niệm chiến lược mới, Nga nhiều khả năng được định nghĩa là "mối đe dọa trực tiếp" có khả năng tấn công bất kỳ quốc gia thành viên nào trong NATO.
Theo đài Sputnik (Nga), trong khái niệm "chiến lược mới", NATO sẽ lần đầu tiên coi Trung Quốc là "mối đe dọa mang tính hệ thống". Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuần trước nói với các phóng viên rằng khái niệm chiến lược được xây dựng dựa trên nhiều tháng đối thoại về mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với an ninh quốc tế. "Tôi nghĩ rằng đó là sự phản ánh mối quan tâm của các đồng minh đối với ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế của Trung Quốc, vấn đề sử dụng lao động, bản quyền trí tuệ và hành vi quyết đoán không chỉ trong khu vực mà còn ở những nơi khác trên thế giới. Các nước thành viên cho rằng điều quan trọng là phải đưa Trung Quốc vào khái niệm chiến lược mới", ông Kirby nói.
Mở rộng các nhóm tác chiến ở khu vực Đông Âu
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này, các nước thành viên cũng có thể công bố kế hoạch tăng gấp đôi quy mô các nhóm tác chiến đồn đóng tại khu vực Đông Âu, theo hướng các lực lượng này sẽ nâng cấp thành các lữ đoàn biên chế đầy đủ.
NATO có thể sẽ tăng ít nhất là gấp đôi quy mô các nhóm tác chiến 1.000-1.600 binh sĩ đang được triển khai hiện nay ở Đông Âu thành các nhóm cấp lữ đoàn, thường có từ 3.000-5.000 binh sĩ. Các nước thành viên cũng thảo luận khả năng các lực lượng này thậm chí còn lớn hơn, bao gồm toàn bộ các sư đoàn NATO, sẽ có tới 15.000 binh sĩ và được đặt dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh liên minh.
Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của NATO lần này, đã có những tín hiệu về thay đổi mang tính căn bản trong chính sách của liên minh. Phát biểu ngày 27-6, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nêu rõ quân số lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao của NATO (Lực lượng Phản ứng Nhanh - NRF) sẽ đạt mức 300.000 binh sĩ. Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh tại Madrid, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói: "Chúng tôi sẽ tái tổ chức lực lượng phản ứng của NATO và tăng quân số lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao của liên minh lên trên 300.000 quân". Hiện nay, quân số của NRF vào khoảng 40.000 binh sĩ. Ông Jens Stoltenberg cho biết thêm NATO sẽ nâng cao khả năng phòng không và tăng cường các kho dự trữ quân sự. Đây sẽ là đợt tăng quân và cải tổ lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh tới nay.
Để làm được điều này, ông Stoltenberg kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa vào quốc phòng. Các nước thành viên NATO đã cam kết dành 2% GDP của họ cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024, nhưng chỉ 9 trong số 30 thành viên đạt được mục tiêu này vào năm 2022 gồm Hy Lạp, Mỹ, Ba Lan, Litva, Estonia, Anh, Latvia, Croatia và Slovakia.
Việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển
Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO nhưng các nước Bắc Âu đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã phản đối tư cách thành viên do hai nước ủng hộ các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố. Về mặt lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phủ quyết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, tư cách thành viên đòi hỏi sự nhất trí của tất cả các nước trong Liên minh. Không rõ liệu ông Biden, người đã lên tiếng ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển, có gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để trao đổi về vấn đề này hay không. Daniel Fried, cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan và là chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng ông Biden nên can dự trực tiếp vào việc giải quyết những bất đồng với người đồng cấp Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng họ không coi hội nghị thượng đỉnh này là thời hạn cuối cùng để quyết định có chấp nhận các nước Bắc Âu hay không. Với việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phản đối tư cách thành viên của họ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã không đưa ra mốc thời gian về thời điểm Phần Lan và Thụy Điển có thể chính thức gia nhập. Rose Gottemoeller, cựu Phó Tổng thư ký NATO, dự đoán sẽ mất ít nhất một năm để hai nước gia nhập liên minh nếu Thổ Nhĩ Kỳ rút lại sự phản đối.
AN BÌNH