"Hồi sinh" di tích hồ Tịnh Tâm

Thứ hai, 07/09/2020 19:50

Sau nhiều năm "ngủ quên", đầu tháng 9-2020, di tích danh thắng hồ Tịnh Tâm thuộc P. Thuận Thành (TP Huế, TT-Huế) đã bắt đầu đón khách đến vui chơi, tham quan miễn phí.

Hoa hướng dương nở rợp ở một góc đảo giữa hồ Tịnh Tâm.

Hồ Tịnh Tâm được xem là Thượng uyển của Hoàng gia và là địa danh trong chùm thơ, ca ngợi 20 cảnh đẹp đất thần kinh của vua Thiệu Trị. Theo một nhà nghiên cứu Huế cho biết, vào thời nhà Nguyễn, chính giữa đảo có điện Bồng Doanh, 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói hoàng lưu ly. Điện xây mặt về hướng nam, có lan can gạch bao quanh, phía trước lại có cửa Bồng Doanh, rồi cầu Bồng Doanh nối đảo với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh có nhà Thủy tạ Thanh Tâm, quay mặt về hướng đông. Phía tây điện có lầu Trừng Luyện, quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa Hồng Cừ và một chiếc cầu cùng tên. Hồ Tịnh Tâm là một tổng thể kiến trúc cung đình gồm nhiều công trình kiến trúc cảnh vật khác nhau được phân bố giữa một cảnh quan thiên nhiên sẵn có và được bàn tay con người cải tạo, bồi đắp thêm tạo nên một công trình kiến trúc cầu kỳ, tinh mỹ và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Hồ Tịnh Tâm có hình chữ nhật với chu vi gần 1.500m, trên mặt hồ có 2 đảo Bồng Lai, Phương Trượng với hệ thống kiến trúc độc đáo của cung đình xưa. Theo Trung tâm bảo tồn di tích (TTBTDT) cố đô Huế (đơn vị quản lý di tích này), qua thời gian do sự tàn phá của chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt khiến cho các kiến trúc trong hồ Tịnh Tâm hư hỏng dần. Bên cạnh đó, danh thắng hồ Tịnh Tâm bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nguồn nước, rác thải và hệ sinh thái cảnh quan.

Gần như hệ thống nước thải của dân cư khu vực nội thành tập trung ra hồ, trước khi đổ ra sông Ngự Hà và sông Hương nên hồ Tịnh Tâm gần như là "bể chứa" khiến cho nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Mặt nước của hồ vốn được trồng sen nổi tiếng xứ Huế, nhưng nhiều năm trở lại đây diện tích trồng sen ngày càng thu hẹp; thay vào đó là sự sinh sôi ngày càng nhiều của bèo tây khiến cho không gian sinh thái của di tích càng nhếch nhác. Thực trạng này khiến không ít du khách mỗi khi ghé Huế tìm đến địa điểm này đều ra về với vẻ thất vọng. Nhiều nhà văn hóa Huế cũng tiếc nuối trước một danh thắng dưới thời nhà Nguyễn nhưng lâu nay di tích hồ Tịnh Tâm chưa được khai thác đúng với tiềm năng.

Hồ Tịnh Tâm sau khi được chỉnh trang là điểm nhấn du lịch mới ở Huế.

Nhằm xây dựng không gian cảnh và điểm đến di sản để thu hút khách du lịch cũng như phục vụ cộng đồng dân cư địa phương, đầu năm 2020, UBND tỉnh TT-Huế giao cho TTBTDT cố đô Huế trùng tu, chỉnh trang cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái; đồng thời yêu cầu thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật để xây dựng hồ Tịnh Tâm thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong một lần kiểm tra công tác chỉnh trang hồ Tịnh Tâm, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đề nghị UBND TP Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân không xả rác thải xuống hồ, bảo vệ môi trường khu dân cư. Hồ Tịnh Tâm là một danh thắng nổi tiếng của Kinh thành Huế, cần bảo tồn và phát huy giá trị để nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách và người dân. Khi người dân có ý thức bảo vệ di sản thì việc phục hồi và tôn tạo mới có ý nghĩa...

Ông Lê Công Sơn- Chánh Văn phòng TTBTDT cố đô Huế cho biết: Trong quá trình chỉnh trang, phía đơn vị tập trung vào hai đảo Bồng Lai, Phương Trượng, mặt nước và đê Kim Oanh. Sau khi chỉnh trang, cây cầu (bằng tre và gỗ) bắc qua đảo Phương Trượng đã được dựng nên để du khách có thể đi ra giữa hồ chụp ảnh, tham quan. Đảo Bồng Lai sau khi được chỉnh trang, hiện đang có nhà bát giác mô phỏng theo nguyên bản  trên đảo; hòn non bộ, trồng hoa cỏ, cây kiểng... cũng tạo thành điểm nhấn, hấp dẫn cho hồ Tịnh Tâm. Hiện, TTBTDT cố đô Huế đã đón du khách cũng như người dân địa phương đến vui chơi, thưởng ngoạn miễn phí tại di tích hồ Tịnh Tâm.

H.LAN