Hội thảo quốc tế Báo chí về đề tài chiến tranh
(Cadn.com.vn) - Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí về đề tài chiến tranh: Lý luận và thực tiễn” do Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Truyền hình Viettel và Đại học Tổng hợp Viên (CH Áo) phối hợp tổ chức ngày 24-4, tại Hà Nội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khẳng định, đội ngũ những người làm báo đã góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. |
Hơn 40 tham luận tại Hội thảo tập trung phân tích sâu sắc về vị trí, vai trò của báo chí trong chiến tranh; kinh nghiệm của báo chí thế giới viết về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc, bảo vệ đất nước Việt Nam; báo chí và vấn đề đoàn kết quốc tế; báo chí và Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc, bảo vệ Tổ quốc; kinh nghiệm tổ chức một số cơ quan báo chí và tổ chức thông tin đến bạn đọc trong điều kiện có chiến tranh; kinh nghiệm tác nghiệp của một số phóng viên chiến trường; đạo đức nghề nghiệp của nhà báo phản ánh về đề tài chiến tranh.
Đa số các đại biểu đều thống nhất rằng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ biên giới, tại Việt Nam đã có hơn một nghìn nhà báo của tham gia đưa tin, chụp ảnh, viết bài. Đội ngũ này đã đóng góp vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam, trong đó có hàng trăm nhà báo đã hy sinh, được Nhà nước ghi công, được công nhận là liệt sĩ. Nhiều nhà báo trở nên nổi tiếng như: Trần Kim Xuyến, Đinh Thúy, Trần Đăng, Hồng Hà, Thép Mới... Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà báo nước ngoài đến Việt Nam đưa tin, viết bài rồi trở nên nổi tiếng khắp thế giới như: Malcolm W. Browne, Bob Simon, Eddie Adams (người Mỹ); Francoise Demulder (Pháp); Hubert Van Es (Hà Lan)...
Theo PGS-TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo Học viện Báo chí Tuyên truyền: Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, báo chí Mỹ đã thay đổi chính kiến của người dân Mỹ từ ủng hộ cuộc chiến tranh trong những năm đầu đến nghi ngờ mục đích của cuộc chiến tranh và cuối cùng là phản đối cuộc chiến đó, góp phần đưa Mỹ đến quyết định phải rút quân khỏi Việt Nam.
Cùng chung quan điểm trên, song GS-TS Thomas.A.Bauer (Khoa Truyền thông, Đại học Tổng hợp Vienne, Áo) đưa ra câu hỏi làm thế nào mà truyền thông và báo chí phản ánh chiến tranh như một yếu tố ký ức mang tính quyết định, có quan hệ mật thiết đến hình thành xã hội? Thomas. A. Bauer cho rằng trả lời câu hỏi này cần phân tích chuẩn mực, kỹ lưỡng về giá trị công của truyền thông và báo chí, trong đó cần lưu tâm đến 3 yếu tố tạo nên truyền thông giá trị công đó là ký ức, ý thức và nhận thức. Chúng đảm bảo rằng truyền thông về chiến tranh, lịch sử chiến tranh sẽ lưu giữ được những ký ức sống mãi, như một nguồn tri thức nối giữa quá khứ và tương lai; phát triển, nuôi dưỡng ý thức văn hóa xã hội cho việc tạo lập hòa bình...
Cùng ngày, tại trụ sở Thông tấn xã Việt Nam diễn ra buổi tọa đàm và khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề “Tác nghiệp của phóng viên chiến trường”. Ngày 25-4, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng diễn ra tọa đàm “Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam ”.
Thu Thủy – TTXVN