KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Hôm nay , Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

Thứ bảy, 15/11/2014 09:27

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-11, bên lề kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề lấy phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra hôm nay (15-11).

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo giới.

P.V: Đến một lúc nào đó Quốc hội phải thực hiện quy trình như Hiến pháp là chỉ bỏ phiếu tín nhiệm chứ không qua bước lấy phiếu tín nhiệm nữa, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Hiến pháp chỉ ghi bỏ phiếu tín nhiệm thôi. Nhưng lấy phiếu tín nhiệm cũng là một bước của bỏ phiếu. Như một số nước, chỉ bỏ phiếu tín nhiệm gồm hai loại: Tín nhiệm hay không tín nhiệm. Ở nước ta còn có bước chuyển tiếp là lấy phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm nhằm thăm dò mức độ tín nhiệm của người đó thế nào. Bỏ phiếu tín nhiệm là hậu quả pháp lý. Hai việc này khác nhau.

P.V: Có ý kiến cho rằng, trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, số phiếu cao thấp chỉ mang tính tượng trưng vì những cơ quan, ban, ngành của Chính phủ là cơ quan hành pháp, thường va chạm tới lợi ích của người dân, vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tôi cũng từng phát biểu về điều này. Chúng ta cũng nên tách bạch giữa những người ở khối hành pháp, lập pháp và tư pháp. Hoạt động của 3 khối này hoàn toàn khác nhau. Nếu lấy phiếu tín nhiệm chung thì bao giờ khối lập pháp cũng sẽ có tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao hơn. Vì khối hành pháp là phải cọ xát hàng ngày với nhân dân, cọ xát với lợi ích chung. Những người làm trong khối hành pháp là những người điều hành, chỉ đạo trực tiếp, còn khối lập pháp chỉ đưa ra chủ trương, luật là chính, ít khi va chạm thì sự bộc lộ ưu điểm và khuyết điểm không nhiều. Bởi vậy, người dân nhìn thấy khuyết điểm ở khối hành pháp nhiều hơn.

P.V: Số lượng người được lấy phiếu tín nhiệm đã tăng lên với 50 chức danh, nhiều ý kiến băn khoăn các đại biểu tiếp cận thông tin đối với những người giữ những chức danh này còn khó khăn, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Bản thân các đại biểu Quốc hội phải tiếp nhận thông tin một cách độc lập, tức là bằng nhiều kênh khác nhau, từ tiếp xúc cử tri, nghe cử tri phản ánh ngành này, lĩnh vực này có vấn đề gì, hoặc bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Các đại biểu Quốc hội cũng tìm hiểu thông tin về các vị bộ trưởng, trưởng ngành thông qua các báo cáo công tác mà những vị này gửi đến các đại biểu Quốc hội... Bằng nhiều kênh khác nhau, các đại biểu Quốc hội có thể đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng bộ trưởng, trưởng ngành.

P.V: Cá nhân ông đã có đủ thông tin cần thiết để đưa ra những đánh giá chính xác đối với 50 chức danh chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Thực ra, nếu nói thông tin thật đầy đủ, thật cần thiết thì cũng chưa hẳn. Bởi, cũng có những thông tin chúng tôi cần tìm hiểu thì lại không thể tìm hiểu được ngay vì cần phải kiểm chứng và cần có thời gian. Ví dụ: đối với ngành tòa án, để lọt tội phạm, xét xử oan sai, án tồn đọng liệu hiện nay còn nhiều không, vấn đề này cần được tìm hiểu kỹ. Công tác điều tra của cơ quan điều tra đã thực sự khách quan, công tâm, đúng người đúng tội chưa, cũng còn phải kiểm chứng và tìm hiểu thêm. Nhưng đại bộ phận đã có những thông tin cơ bản. Nếu thiếu thông tin nào thì đại biểu Quốc hội phải tự tìm những thông tin đó.

P.V: Thưa ông, quy trình sửa Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã kéo dài thêm một kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp này, sau khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội mới tiến hành thảo luận, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13. Có ý kiến cho rằng, phải chăng Quốc hội đã tìm một giải pháp an toàn?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tôi cho rằng chưa có căn cứ để nói như vậy. Việc sửa Nghị quyết phải có quy trình chặt chẽ như một dự án luật của Quốc hội. Vả lại, đây là vấn đề liên quan đến con người, đến nhân sự nên phải cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng chứ không thể vội. Do đó, Nghị quyết 35 sẽ được sửa vào giai đoạn cuối kỳ họp, sau khi lấy phiếu tín nhiệm. Tôi cho rằng, điều này có tác dụng lớn, ít nhất là có tính chất cảnh báo. Vì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của các vị bộ trưởng, trưởng ngành không đồng đều, có vị có mức độ tín nhiệm cao, có vị ở mức thấp hơn. Những vị có mức độ tín nhiệm thấp hơn chắc chắn là phải suy nghĩ và tự nhìn lại mình.

T. Thủy – T. Phương (ghi)

DANH SÁCH 50 NGƯỜI LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

1. Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước

2. Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước

3. Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội

4. Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội

5. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội

6. Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội

7. Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội

8. Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội

9. Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

10. Ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

11. Ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội

12. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội

13. Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

14. Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội

15. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

16. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

17. Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội

18. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

19. Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội

20. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

21. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ

22. Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ

23. Ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ

24. Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

25. Ông Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ

26. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ

27. Ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

28. Ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

29. Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

30. Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

31. Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp

32. Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng

33. Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

34. Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương

35. Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

36. Ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

37. Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

38. Ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

39. Ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an

40. Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

41. Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

42. Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

43. Ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

44. Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

45. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế

46. Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ

47. Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

48. Ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao

49. Ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao

50. Ông Nguyễn Hữu Vạn, Tổng kiểm toán Nhà nước