Hơn 100 cán bộ điều tra, xác minh vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa

Thứ sáu, 17/10/2014 09:40

(Cadn.com.vn) - Chiều 16-10, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Trần Văn Lương–Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho biết, sau khi sự việc gần 35m3 gỗ kiền kiền (nhóm II) tại khu vực giáp ranh rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa (vùng giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và Quảng Nam) được phát hiện, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã cử 60 cán bộ lên điều tra. Tuy nhiên xét thấy vụ việc nghiêm trọng, hôm nay (17-10), Chi cục tiếp tục cử thêm 50 cán bộ phối hợp truy tìm nguồn gốc gỗ, đồng thời xem xét khởi tố vụ án. Đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa.

35M3 GỖ KIỀN KIỀN BỊ TRIỆT HẠ

Ông Đinh Văn Hươm-Phó Chủ tịch UBND H. Đông Giang, kiêm Tổ trưởng Tổ liên ngành xử lý vi phạm lâm luật H. Đông Giang cho biết, ngày 6-10, Tổ liên ngành xử lý vi phạm lâm luật H. Đông Giang (đóng tại xã Tư) phát hiện 66 phách gỗ kiền kiền khai thác trái phép cất giấu tại khoảnh 5, tiểu khu 37 thuộc lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa với khối lượng hơn 14m³. Theo đó, Tổ liên ngành đã lập biên bản và đưa toàn bộ số gỗ tang vật về tạm giữ tại Trạm Kiểm lâm Dốc Kiền (xã Ba, H. Đông Giang).

Ông Trần Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng chỉ nơi phát hiện số lượng gỗ trái phép trên bản đồ.

Tiếp đến, ngày 11-10, Tổ liên ngành H. Đông Giang và Lực lượng Kiểm lâm TP Đà Nẵng kiểm tra và phát hiện thêm 9 điểm cất giấu gỗ quy cách với số lượng lớn tại Tiểu khu 37, cũng thuộc rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa. Trong đó, 5 điểm cất giấu thuộc lâm phận tỉnh Quảng Nam (thôn Láy, xã Tư, H. Đông Giang) với 227 phách gỗ quy cách có khối lượng hơn 10m³; 4 điểm thuộc lâm phận TP Đà Nẵng với 224 phách gỗ có khối lượng hơn 10,1m³. Trước sự việc trên, hai địa phương đã thống nhất gỗ nằm ở lâm phận nào thì địa phương đó tạm giữ và lập hồ sơ điều tra. Để đảm bảo quy trình điều tra và tránh việc gỗ bị thất thoát, đến nay Tổ Liên ngành Đông Giang đã đưa toàn bộ hơn 14m³ gỗ phát hiện hôm 6-10 và hơn 10m³ gỗ phát hiện ngày 11-10 về tạm giữ tại Trạm Kiểm lâm Dốc Kiền và trụ sở UBND xã Tư.

TRUY TÌM NGUỒN GỐC

Trao đổi với P.V Báo Công an Đà Nẵng, ông Trần Văn Lương cho biết, trước sự việc trên, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm khẩn trương xác minh, làm rõ. Theo đó Chi cục đã cắt cử hơn 60 cán bộ kiểm lâm vào để bảo vệ hiện trường, lập hồ sơ điều tra nguồn gốc và đối tượng khai thác gỗ. Đồng thời, tập hợp và vận chuyển toàn bộ hơn 10,1m³ gỗ tang vật về tạm giữ tại Hạt Kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa chờ xử lý.

“Đây là vụ khai thác gỗ trái phép lớn nhất Đà Nẵng từ khi chia tách tỉnh đến nay. Ngày mai chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai lực lượng khoảng 50 người vào hiện trường kiểm tra, truy tìm nguồn gốc số gỗ trên. Nếu gỗ bị đốn trên lâm phận của địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm. Sau khi xác định được nguồn gốc số gỗ trên, Chi cục sẽ làm việc với phía Quảng Nam để có hướng xử lý, nếu đủ điều kiện sẽ khởi tố vụ án. Dự kiến đợt kiểm tra sẽ kéo dài 15 ngày”- ông Lương nhận định.

Số gỗ kiền kiền bị lực lượng liên ngành H. Đông Giang phát hiện, thu giữ.

Nói về trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm địa bàn để xảy ra tình trạng trên, ông Lương cho biết Chi cục đã giao cho Hạt Kiểm lâm Bà Nà–Núi Chúa làm việc với Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, TP Đà Nẵng) để giải trình vụ việc trên. Được biết điểm tập kết gỗ được phát hiện chỉ cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông chưa đầy 1km. Và số gỗ trên nếu được vận chuyển ra bên ngoài tiêu thụ chỉ có một con đường đi ngang qua Trạm Cà Nhông.

KHẨN TRƯƠNG ĐIỀU TRA LÀM RÕ

Ông Đinh Văn Hươm, khẳng định, số gỗ lậu bị lực lượng chức năng phát hiện chắc chắn là khai thác ở rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, vì từ năm 1993, địa bàn xã Tư không còn gỗ kiền kiền. Tuy nhiên, ông Trần Văn Lương không thừa nhận. “Sau khi lực lượng chức năng kiểm tra và xác định tọa độ nguồn gốc số gỗ bị đốn hạ thì mới khẳng định được số gỗ trên được khai thác ở lâm phận Quảng Nam hay Đà Nẵng... Đây là vụ việc nghiêm trọng, chúng tôi sẽ điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những ai có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho lâm tặc. Nếu lực lượng kiểm lâm điều tra không ra sẽ chuyển cho lực lượng Công an chứ không buông lỏng vụ này được”- ông Lương nhận định.

Số gỗ được phát hiện khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh với rừng đặc dụng
Bà Nà – Núi Chúa được đưa ra ngoài.

Theo ông Trần Viết Phương–Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng: Trước đây khu vực này rất bình yên, thế nhưng do lực lượng kiểm lâm địa bàn gần đây quản lý không tốt nên để xảy ra vụ việc như trên. Trước tình hình đó, Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm TP phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu phát hiện dấu hiệu cán bộ vi phạm. Về biện pháp bảo vệ rừng trong thời gian đến, trước mắt Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm truy quét toàn diện trong và ngoài khu vực giáp ranh của rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa. Về lâu dài sẽ phối hợp hơn nữa với các ngành chức năng của Quảng Nam để bảo vệ tốt hơn diện tích rừng đặc dụng trên.

Cùng ngày, trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa thừa nhận việc quản lý, kiểm tra của đơn vị chưa tốt. “Vùng giáp ranh với địa phương khác dài đến 27 cây số, nhưng lực lượng mỏng nên rất khó quản lý. Ở Đông Giang không còn gỗ để phá nữa, nên lâm tặc mới về đây… Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý đã kiểm tra 107 đợt, nhưng không phát hiện được. Nói chung rừng núi biết rồi, rộng lắm, mấy chục nghìn héc-ta không thể kiểm ra hết được, chỉ chọn một số điểm thôi, làm sao đi hết được, có chỗ này chỗ khác, rừng mênh mông thì có lâm tặc, không có lâm tặc thì sẽ không có chúng tôi”- ông Sự nói.

Trần Tân