Hơn 4.500 trận động đất xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 2011 đến 2022, đơn vị quan sát được hơn 4.500 trận động đất có độ lớn từ 0,5 đến 4,7 độ Richter ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Phân bố chấn tiêu động đất tập trung chủ yếu ở độ sâu khoảng 5 - 10km, độ sâu trung bình là 6 km. Với tần suất động đất lớn từ sau khi hồ thủy điện tích nước và độ sâu chấn tiêu nông khẳng định, các động đất quan sát được ở khu vực Bắc Trà My và lân cận là động đất kích thích. Cũng theo Viện Vật lý địa cầu, kết quả nghiên cứu cho phép đưa ra nhận định động đất ở khu vực sông Tranh 2 là loại phản ứng nhanh. Hoạt động động đất ở khu vực này diễn ra mạnh nhất từ năm 2012 đến 2018 và đã giảm đáng kể về tần suất và cường độ sau đó.
Tại hội thảo, các nhà khoa học kiến nghị tiếp tục duy trì hoạt động liên tục mạng trạm quan trắc động đất ở khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác kịp thời thông tin hoạt động động đất trong khu vực. Qua đó ổn định đời sống nhân dân khu vực hạ du và phục vụ công tác vận hành an toàn công trình thủy điện Sông Tranh 2. Đồng thời, kiến nghị thiết lập bổ sung các trạm quan trắc động đất đối với các thủy điện khác phục vụ theo dõi, nghiên cứu hoạt động động đất; tiếp tục nghiên cứu về động đất kích thích đối với các thủy điện khu vực tỉnh Quảng Nam nhằm đưa ra các giải pháp vận hành an toàn hệ thống thủy điện liên hồ chứa.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, việc nghiên cứu và có những giải pháp ứng phó với vấn đề động đất ở khu vực công trình thủy điện rất quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân cũng như các công trình thủy điện. Ông Hồ Quang Bửu cho rằng, công tác quan trắc về động đất, nhất là trong mùa mưa bão phải thường trực, thông tin kịp thời, rõ ràng, dễ hiểu để người dân và chính quyền có thể dễ dàng tiếp cận.
B.B