Honda và “cuộc chinh chiến” trên đất Mỹ (Kỳ 1: Đặt chân đến Mỹ)

Thứ hai, 08/07/2019 14:32

Từ việc lập Cty chuyên nhập khẩu xe máy sang Mỹ ở Los Angeles vào năm 1959, Honda đã từng bước phát triển, mở rộng kinh doanh và vào năm 1975, Cty đã mở nhà máy đầu tiên ở Marysville, Ohio, dần dần thâm nhập sâu vào thị trường ô-tô của Mỹ.

Xe mô-tô CR250R là mẫu xe đầu tiên được chế tạo tại nhà máy Honda ở Marysville vào năm 1979. Ảnh: CNN

Mở nhà máy đầu tiên

Năm 1979, Neil Vining, 22 tuổi, phát hiện mẫu quảng cáo việc làm khiến ông bất ngờ. Nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản Honda tuyển dụng công nhân Mỹ cho nhà máy đầu tiên trên đất Mỹ. “Tôi hơi sốc khi Honda quyết định đến Ohio”, Vining, hiện là kỹ sư trưởng của Honda tại nhà máy ô-tô ở Marysville, cho biết.

Hồi đó, Marysville là một thị trấn nông thôn cổ kính với khoảng 7.000 người. Có một trường trung học, một vài cửa hàng và một nhà hàng. Đó là một thế giới cách xa trung tâm công nghiệp của Mỹ ở Detroit. Vining, người đang làm việc cho một nhà sản xuất động cơ nhỏ, cho biết, được nhận vào làm việc tại nhà máy mới của Honda đối với ông là cơ hội lớn của cả cuộc đời. “Honda là một cái tên quen thuộc. Chúng tôi công nhận nó vì chất lượng và giá cả hợp lý”, ông nói. Vining là 1 trong số 53 người Mỹ và 11 người Nhật Bản được tuyển dụng làm việc tại nhà máy xe máy đầu tiên của Honda. Nhà máy này sau đó được mở rộng thành một nhà máy sản xuất ô-tô vào năm 1982. Kể từ đó, Nhật Bản đã thâm nhập sâu vào nền kinh tế ô-tô của Mỹ.

Ngày nay, Honda, Nissan, Toyota và Subaru đều vận hành các nhà máy sản xuất trên khắp Mỹ, trong đó  Toyota và Mazda đang lên kế hoạch mở nhà máy lắp ráp ô-tô mới trị giá 1,6 tỷ USD ở Alabama, sử dụng khoảng 4.000 lao động khi khánh thành vào năm 2021. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản, năm ngoái, các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản đã tạo ra 1,6 triệu việc làm tại Mỹ.

“Made in” Nhật Bản

Khi Honda đặt chân đến Mỹ, khẩu hiệu “Made in Nhật Bản” bị mờ nhạt bởi những ký ức tồi tệ về Thế chiến II và những định kiến về tay nghề kém chất lượng, do mức độ phát triển kinh tế ở Nhật Bản thấp trong những năm sau chiến tranh. “Các nhà sản xuất ô-tô của nước này đã phải vượt qua rất nhiều định kiến và sự nhạo báng”, Wanda James, tác giả của cuốn “Lái xe từ Nhật: Xe Nhật trên đất Mỹ”, cho biết.

Tuy nhiên, trong những năm 1950, các sản phẩm chất lượng của quốc gia Châu Á này như máy ảnh Minolta và Pentax đã xâm nhập thị trường Mỹ, khiến người Mỹ thay đổi thái độ. Năm 1959, Cty Honda Motor Mỹ được thành lập tại Los Angeles và sau khi hợp tác với một vài đại lý địa phương, bắt đầu nhập khẩu những chiếc Honda 50 sang Mỹ. Đến thập niên 1960, doanh số bán hàng của Honda tại Mỹ đã tăng vọt, từ 500.000 USD năm 1960 lên 77 triệu USD năm 1965 - được thúc đẩy bởi một chiến dịch tiếp thị năm 1963, với khẩu hiệu “Bạn gặp những người đẹp nhất trên chiếc Honda”, được truyền cảm hứng từ bài hát “Little Honda” của nhóm nhạc Beach Boys. Chiến dịch đã tạo ra một thị trường mới, bán những chiếc xe máy Honda như một lựa chọn chi phí thấp hơn cho những người chưa từng nghĩ đến việc mua xe máy.

Khủng hoảng dầu mỏ... hay một phước lành?

Honda tạo ra một bước đột phá lớn trong thập kỷ tiếp theo. Năm 1973, căng thẳng giữa Mỹ và các nước Arab dẫn đến lệnh cấm vận dầu mỏ khiến giá dầu tăng vọt. Lệnh cấm vận được dỡ bỏ vào năm 1974, nhưng giá dầu vẫn cao.

Khi người Mỹ bắt đầu tìm kiếm những chiếc xe nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản có lợi thế hơn so với các thương hiệu ô-tô tốn xăng của Mỹ. Doanh số bán hàng cũng tăng thêm nhờ sự ra đời của Đạo luật Không khí Sạch 1970, quy định hạn chế lượng chì trong xăng. Vào năm 1974, các kỹ sư của Honda đã tạo ra một loại động cơ đốt mới, khiến cho chiếc Honda Civic trở thành chiếc xe đầu tiên đáp ứng các giới hạn mới nghiêm ngặt về khí thải tự động, vì chiếc xe có thể chạy bằng cả xăng pha chì và xăng không chì.

Các ông chủ của Honda đã quyết định mở rộng kinh doanh và vào năm 1975, ông Shige Yoshida, khi đó là Phó chủ tịch Cty Honda Motor tại Mỹ, đã được yêu cầu tìm kiếm vị trí để mở một nhà máy ô-tô. Mục tiêu là nguồn phụ tùng tại địa phương và làm cho sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng địa phương.

Ông Yoshida cho biết, Cty Honda Motor đã chọn Marysville vì nơi đây có những người dân địa phương thân thiện, chăm chỉ, và môi trường đầu tư thuận lợi. Khi nhà máy chuẩn bị khai trương, ông Yoshida, hiện nay 87 tuổi, bắt đầu đến thăm các nhà máy ô-tô ở Detroit để cảm nhận về cách người Mỹ vận hành. “Tôi thực sự thích cách một người quản lý cư xử với mọi người mà tôi đã gặp. Ông ấy đi qua các lối đi sản xuất, chào hỏi và mỉm cười với mọi người”, ông Yoshida nói.

Sau đó vào những năm 1980, ông Yoshida chào đón các nhà sản xuất ô-tô Mỹ đến thăm các nhà máy của Honda ở Marysville. Theo ông, sự hợp tác này  là một điều tốt lành cho ngành công nghiệp. “Mọi người đều coi Honda là một lợi thế, không phải là mối đe dọa. Bởi vì họ biết rằng tạo ra việc làm ở một tiểu bang nông thôn như Ohio sẽ có tác động to lớn đến nền kinh tế”, David Emantic, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô-tô (CAR) ở Ohio, cho biết.

(còn nữa) AN BÌNH