Hợp tác tài chính APEC: Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và chống trốn thuế

Thứ bảy, 21/10/2017 08:21

Các nước thành viên APEC tăng cường thúc đẩy đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng (CSHT); tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; xói mòn cơ sở thuế, chuyển dịch lợi nhuận và Tài chính toàn diện bao trùm… là những nội dung thảo luận, thống nhất tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) APEC 2017 diễn ra ngày 20-10 tại TP Hội An (Quảng Nam) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế thành viên APEC 2017 (FMM).

Thứ trưởng Bộ Tài chính và Phó Thống đốc NHTƯ các thành viên APEC chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng

Về đầu tư dài hạn cho CSHT và cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án hợp tác công tư (PPP) cũng như tài trợ vốn dài hạn để đầu tư vào hệ thống hạ tầng thông qua mô hình PPP được các đại biểu thảo luận sôi nổi trong các diễn đàn APEC. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dự kiến trong giai đoạn 2015- 2020 tổng nhu cầu CSHT của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là 8 nghìn tỷ USD. Trong bối cảnh các nền kinh tế đang nỗ lực củng cố tài khóa, tiết kiệm chi tiêu nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách, việc tìm kiếm các giải pháp tài chính cho CSHT là vấn đề cốt lõi để giải quyết điểm “thắt cổ chai” trong bài toán CSHT. Việc phát triển CSHT tiếp tục là chủ đề được đặc biệt quan tâm trong hợp tác APEC, không chỉ đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi với nhu cầu rất cao về phát triển CSHT, mà cả với những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB.

Đối với các dự án đầu tư công, khu vực nhà nước sẽ chịu toàn bộ rủi ro liên quan đến dự án; song đối với các hợp đồng PPP hai bên cùng nhau xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro dựa trên nguyên tắc bên nào có thể giải quyết các rủi ro tốt hơn, giảm thiểu chi phí nhiều hơn thì sẽ nhận trách nhiệm giải quyết rủi ro đó. Cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của các dự án PPP; đặc biệt, các hợp đồng PPP thường sẽ thất bại nếu phía chính phủ cố tình đẩy hết rủi ro cho khu vực tư nhân. Do vậy, cần thiết phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi, danh sách các rủi ro sẽ được đưa ra và các bên sẽ xem xét, thỏa thuận trong quá trình đàm phán hợp đồng, ký kết hợp đồng. Các rủi ro như rủi ro liên quan đến vấn đề về chính trị, thay đổi cơ chế chính sách, rủi ro liên quan đất đai thường do phía chính phủ đảm nhận; trong khi đó các rủi ro trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng thường do phía tư nhân đảm nhận.

Nhìn nhận về thực tế cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP tại Việt Nam, các đại biểu cho rằng, các dự án PPP ở Việt Nam chủ yếu là dự án giao thông đường bộ và nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng BOT. Hầu hết các dự án áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án.

Hình thức hợp đồng BOT đã được áp dụng khá lâu ở Việt Nam; song xây dựng một cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý trong các hợp đồng BOT chưa được các cơ quan quản lý nhà nước thật sự chú trọng, ngoại trừ các dự án BOT nhiệt điện; phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có tư tưởng đẩy nhiều rủi ro cho nhà đầu tư như một số rủi ro liên quan đến mặt bằng, tái định cư, rủi ro liên quan đến đầu vào, đầu ra của dự án, Pháp luật hiện hành không quy định áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu...

Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng ký kết thỏa thuận hợp tác song phương với Bộ trưởng Ngân khố Australia- Scott Morrison.

Ngăn chặn trốn thuế!

Các quan chức tài chính APEC cũng bàn giải pháp, cơ chế hợp tác ngăn xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS). Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang những nước/vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không. Các phương thức này đang ngày càng trở nên phổ biến và được thiết lập thông qua hành vi chuyển giá, thương mại điện tử, vốn mỏng, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, cơ sở thường trú hay thiên đường thuế.

Trên cơ sở đó, đi đến thống nhất một số biện pháp như: Áp dụng các quy định ngăn ngừa lợi dụng Hiệp định thuế; Chuẩn hóa hồ sơ chứng minh giá thị trường theo từng nước để đảm bảo cơ quan thuế có đủ thông tin cần thiết về lợi nhuận kinh doanh, nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp đa quốc gia; Thực hiện rà soát chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế nhằm thu hút vốn đầu tư nhưng không phù hợp với thông lệ quốc tế; Cam kết tăng cường giải quyết tranh chấp về thuế theo hiệp định thuế.

Việt Nam bị ảnh hưởng nguồn thu chính đáng từ hành vi trốn thuế được thể hiện rõ nhất qua chuyển giá hay các giao dịch qua biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Do đó, cần nhanh chóng nghiên cứu thuế quốc tế và Hiệp định thuế theo chương trình BEPS, thanh tra giá chuyển nhượng theo chương trình BEPS, sửa đổi chính sách khác theo chương trình BEPS.

 Hội nghị cũng đề cập đến vấn đề tài chính toàn diện bao trùm nhằm xây dựng và thực thi có hiệu quả một chiến lược quốc gia về tài chính phù hợp cho mỗi quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đối với Việt Nam, các quan chức tài chính APEC cho rằng, Việt Nam cần xây dựng được một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện cho nông nghiệp và nông thôn, bao gồm các cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng, các dịch vụ tài chính, ứng dụng các công nghệ tài chính mới, bảo hiểm rủi ro, giáo dục nâng cao nhận thức tài chính cho người dân, là định hướng quan trọng giúp thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn...

Ngoài ra, vấn đề cải thiện sự bền vững tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai trong APEC cũng được đưa ra thảo luận. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là một trong những khu vực chịu nhiều tác động của thiên tai, trong đó Việt Nam là một trong số nền kinh tế thường xuyên phải gánh chịu hậu quả từ động đất, bão lốc, ngập lụt, gây thiệt hại lớn về tài sản quốc gia. Vì vậy, xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai và bù đắp thiệt hại khi xảy ra thiên tai là điều các nước thành viên phải làm ngay...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà: “APEC 2017 với chủ đề “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai”, Việt Nam sẽ tập trung vào các vấn đề như thúc đẩy tăng trưởng bền vững; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu,...”.

* Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, Chủ tịch FMM  Đinh Tiến Dũng đã có buổi tiếp song phương Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - ông Angel Gurria; Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ - ông David Malpass; Phó Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)- ông Mitsuhiro Furusawa. Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã tiếp Bộ trưởng Ngân khố Australia - ông Scott Morrison và đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác song phương trong lĩnh vực tài chính.

XUÂN ĐƯƠNG