TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Hướng dẫn thủ tục ly hôn với người nước ngoài

Thứ ba, 26/12/2023 09:26
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình để đảm bảo về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Ngoài ra, việc kết hôn là sự khởi nguồn của một mối quan hệ vợ chồng, là việc xác lập các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản theo như quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi cuộc sống vợ, chồng rơi vào tình trạng bế tắc, không thể cứu vãn được thì lúc này ly hôn là căn cứ để chấm dứt một mối quan hệ hôn nhân đã được xác lập trước đó, đồng thời đây cũng là sự kết thúc của mối quan hệ vợ chồng và các quyền liên quan khác trong quan hệ này. Đối với ly hôn với người nước ngoài (NNN) cũng vậy, việc ly hôn giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là NNN, giúp cho chủ thể của quan hệ hôn nhân thoát khỏi sự ràng buộc về mặt pháp lý; chấm dứt quan hệ vợ chồng trên cơ sở pháp luật bằng bản án hoặc quyết định của tòa án.
Đội ngũ luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Phong & Partners.
Đội ngũ luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Phong & Partners.

Ly hôn là gì?

Ly hôn được quy định cụ thể tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau: “14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án.” Có thể hiểu, khi có bản án, quyết định ly hôn của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì quan hệ vợ, chồng sẽ chấm dứt; Khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định: “Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của tòa án có hiệu lực pháp luật.”.

Như vậy, chỉ khi vợ, chồng yêu cầu ly hôn, được tòa án xem xét, giải quyết thông qua bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì quan hệ vợ, chồng chấm dứt vào thời điểm bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực.

Những điểm cần lưu ý khi ly hôn với NNN

Xác định phẩm quyền giải quyết ly hôn của toà án.

Theo Điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với NNN, giữa NNN với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Theo Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài, tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Xác nhận về nơi cư trú của một bên đương sự ở nước ngoài trong trường hợp đương sự không có mặt tại Việt Nam.

Cần xác định địa chỉ NNN đang sinh sống cụ thể của NNN để tránh tình trạng khi khởi kiện đến tòa án không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ NNN, dẫn đến tòa án rất khó khăn trong việc tống đạt các thông báo.

Hồ sơ và thủ tục thuận tình ly hôn với NNN

1. Khái niệm

Thuận tình ly hôn là gì? Ly hôn thuận tình là việc cả hai bên đồng ý chấm dứt hôn nhân, đồng thời thống nhất về các vấn đề liên quan như chia tài sản, quyền nuôi con.

2. Điều kiện

Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án giải quyết việc ly hôn.”

Theo đó, điều kiện để ly hôn thuận tình khi:

Vợ và chồng tự nguyện ly hôn.

Vợ, chồng đã thống nhất được với nhau về việc chia tài sản chung hoặc không chia tài sản chung.

Vợ, chồng đã thống nhất được với nhau về việc giao cho ai trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, cấp dưỡng cho con..

Sự thoả thuận của vợ chồng về tài sản và con phải đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của vợ và con.

3. Hồ sơ

Hồ sơ thuận tình ly hôn với người đang ở nước ngoài gồm:

Đơn thuận tình ly hôn (vợ, chồng phải cùng ký tên vào đơn);

Giấy đăng ký kết hôn (bản sao chứng thực hoặc bản chính);

Căn cước công dân của vợ hoặc chồng là nười Việt Nam (bản sao chứng thực);

Hộ chiếu của vợ hoặc chồng người nước ngoài (bản sao chứng thực);

Giấy tờ hợp lệ chứng minh nơi cư trú hiện tại của đương sự;

Bản sao Giấy khai sinh hợp lệ của con chung (nếu có);

Trường hợp vợ chồng yêu cầu tòa án công nhận sự thoả thuận về tài sản thì cần nộp các tài liệu chứng cứ chứng minh về tài sản.

4. Thủ tục

Bước 1: Nộp hồ sơ thuận tình ly hôn tại tòa án có thẩm quyền

Bước 2: Tòa án xem xét, thụ lý giải quyết

Trong 3 ngày làm việc, tòa án phân công thẩm pháp giải quyết

Hồ sơ đầy đủ tòa án phân công thẩm phán thụ lý vụ việc.

Hồ sơ chưa đầy đủ, tòa án yêu cầu sửa đổi bổ sung trong vòng 7 ngày.

Bước 3: Tòa án tiến hành giải quyết

Tòa án mở phiên hòa giải tại tòa và tiến hành thủ tục ly hôn tại tòa theo thủ tục.

Hồ sơ và thủ tục đơn phương ly hôn với NNN

1. Khái niệm

Ly hôn đơn phương là trường hợp vợ hoặc chồng muốn chấm dứt mối quan hệ hôn nhân nhưng người còn lại không đồng ý:

Không đồng ý ly hôn.

Không đồng ý về việc chia tài sản chung của vợ chồng

Không đồng ý về việc ai trực tiếp nuôi con chung sau ly hôn và cấp dưỡng nuôi con như thế nào.

2. Điều kiện

Điều 56 Luật hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”. Như vậy, một trong những điều kiện để yêu cầu ly hôn đơn phương là người yêu cầu phải chứng minh mục đích hôn nhân không đạt được và không còn khả năng tiếp tục. Người ly hôn phải đưa ra các bằng chứng xác thực về nguyên nhân dẫn đến trình trạng hôn nhân rơi vào trầm trọng.

Theo Mục 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao quy định tòa án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng hôn nhân rơi vào trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được khi

Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.

Không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Ngoài ra, người yêu cầu cần phải chứng minh trước khi gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết đã có các biện pháp hòa giải nhưng không hòa giải được.

3. Hồ sơ

Hồ sơ đơn phương ly hôn với người đang ở nước ngoài gồm:

Đơn ly hôn đơn phương (đơn khởi kiện ly hôn);

Giấy đăng ký kết hôn (bản sao chứng thực hoặc bản chính);

Căn cước công dân của vợ hoặc chồng là nười Việt Nam (bản sao chứng thực);

Hộ chiếu của vợ hoặc chồng NNN (bản sao chứng thực);

Giấy tờ hợp lệ chứng minh nơi cư trú hiện tại của đương sự;

Bản sao giấy khai sinh hợp lệ của con chung (nếu có);

Giấy tờ về tài sản chung vợ chồng nếu yêu cầu tòa án chia tài sản chung.

4. Thủ tục

Bước 1: Nộp hồ sơ đơn phương ly hôn tại tòa án có thẩm quyền

Bước 2: Tòa án xem xét, thụ lý đơn

Trong 3 ngày làm việc, tòa án phân công thẩm pháp giải quyết

Hồ sơ đầy đủ tòa án phân công thẩm phán thụ lý vụ việc.

Hồ sơ chưa đầy đủ, tòa án yêu cầu sửa đổi bổ sung trong vòng 7 ngày.

Bước 3: Tòa án tiến hành giải quyết

Tòa án mở phiên hòa giải tại tòa và tiến hành thủ tục ly hôn tại tòa theo thủ tục.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425