Hương lá mùng năm
Trong tâm thức của những người dân quê tôi thì một năm được đánh dấu bằng hai cột mốc, quan trọng nhất là ngày Tết Nguyên đán khi kết thúc một năm để tổng kết những gì đã đạt được. Và cột mốc thứ hai chính là ngày mùng năm tháng năm âm lịch, đấy là khi đã xuống giống xong cho mùa Hè - Thu, đã nhàn việc đồng thì người ta quây quần ăn Tết Đoan Ngọ giữa những ngày mà cái oi nồng của nắng chẳng thể làm tan đi cái nôn nao đón đợi mùng năm.
Thong thả bước để cảm nhận và hít hà cái mùi hương thanh khiết ấy, sợ nó tan đi theo cơn gió, chợt nhìn thấy từ xa các bà, các cô, các dì đang ngồi bên những mâm bánh ú tro và những chồng lá xếp ngay ngắn trên vỉa hè đường vào chợ mới chợt nhận ra: Ồ, hôm nay đã là ngày mùng năm tháng năm rồi sao? Nhanh thật, mới đó mà đã gần nửa năm Nhâm Dần trôi qua. Kể từ sau Tết Âm lịch là những ngày cả đất nước phải tạm nghỉ yên dài ngày do dịch bệnh COVID-19. Giờ đây, dịch bệnh đã tạm thời được khống chế, giải quyết và chúng ta chuẩn bị ăn Tết Đoan Ngọ. Tuy rằng sau những ngày đại dịch, kinh tế khó khăn hơn, mọi người dân đều phải chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm hơn trước nhưng cũng không cần phải mua sắm cao lương mỹ vị gì nhiều mới gọi là Tết; chỉ cần một xâu bánh ú tro, một bó lá mùng năm và ai sang hơn nữa thì thêm con vịt. Bấy nhiêu thôi là đã đủ hương và đủ vị của ngày Tết Đoan Ngọ rồi.
Khác với những cái Tết khác, Tết Đoan Ngọ mang lại không khí rất riêng, từ cái không khí của đất trời tháng hạ. Rồi đến với những món đặc trưng cho ngày này từ món chè ngọt lịm đến chiếc bánh ú tro giòn sần sật, quả mít đầu mùa thơm ngát mùi hương, những loại trái cây ngọt ngào của quê hương. Tôi nhớ như in giữa trưa đi bắt thằn lằn, đứng bóng rửa mặt trong thau nước để giữa sân. Ông nội tay cầm chiếc rựa bổ mấy gốc cây ăn quả không chịu ra trái, chặt vào cây bằng sống lưng rựa, với mong muốn năm sau cây sẽ sai trái. Những ấn tượng nhất vẫn là những bó lá mùng năm.
Tục đi hái lá Mùng Năm đã truyền qua bao đời, theo quan niệm dân gian thì vào đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa) mang những loại lá đã hái ra phơi khô rồi dùng để nấu nước uống hàng ngày vừa ngon, thanh mát lại có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Không hiểu sao lúc ấy hương lá mùng năm lại thơm đậm như vậy. Có rất nhiều loại lá như: Ổi sẻ, lạc tiên, hương nhu, lá vối, ngải cứu, đinh lăng, dủ dẻ, đỗ sen, khổ qua rừng, mã đề, lá sả, tía tô, ngoài ra cũng có thêm các loại rễ, thân cây như: Rễ cỏ tranh, rễ rau má, ngũ gia bì, củ sen, râu ngô... Mỗi loại có tác dụng chữa bệnh khác nhau và cách phối hợp các loại cũng phải phù hợp. Sở dĩ hái lá giờ đấy bởi vì quan niệm dân gian khi ấy trời đất hội tụ tinh hoa trong cây thuốc, có giá trị cao nhất trong lúc chữa bệnh. Lá mùng năm đem về phơi hong một nắng rồi thái nhỏ, có nhà kỹ hơn còn sao rang thủy thổ. Phơi dưới nắng giòn năm bảy bận là khô hẳn cho vào cái bọc treo trên chái bếp ấy là đã có mớ lá thuốc mùng năm thơm nồng.
Dù cuộc sống giờ đã có nhiều đổi thay nhưng đâu đó vẫn còn những nhà lưu giữ lại được những mảnh vườn nho nhỏ rất hiếm hoi hiện nay. May mắn thay, vẫn còn các bà, các mẹ, các dì vẫn lặn lội cất công đi tìm những loại lá mùng năm để góp mặt vào chợ lá mùng năm thêm nhộn nhịp. Thu nhập không cao, công tìm khá nhiều nhưng đấy là niềm vui và thói quen lưu giữ một phong tục cha truyền con nối, một nét đẹp văn hóa không thể quên được.
Trưa mùng năm, sau khi thắp hương tổ tiên xong, cả nhà quây quần ăn cái bánh tro chấm đường, uống một ngụm nước lá để cảm nhận cái vị bùi bùi, ngọt ngọt của miếng bánh, cái hương thơm đậm đà nhưng thanh khiết của các loại nước lá. Đó chính là hương và vị của ngày Tết Đoan Ngọ. Nhâm nhi hương vị của đất trời cùng với sự chăm chút của các bà, các cô, các dì trong thâm tâm tôi vẫn mong cái chợ lá mùng năm vẫn cứ tồn tại mãi để lưu giữ nét đẹp truyền thống của quê hương và mang đậm hồn cốt của xứ sở.
Lá mùng năm được đun uống hằng ngày như một loại trà. Nó hiện diện ngay trong cả đời thường của quê hương. Những ngày bất chợt mưa, một chút lạnh trong không gian mờ sương mà bưng bát nước lá mùng năm hít hà cái mùi thơm nhẹ nồng nàn rồi nhâm nhi sao nghe ấm lòng chi lạ. Đối với những người con xa quê, đi chợ mùng năm ở nơi xứ người bất chợt gặp những mẹt lá được bày bán tự dưng thấy nhớ thấy thương thấy vấn vương trong dạ. Có lẽ những tinh chất trong cỏ cây ngày Tết đã đậm hương cho cái vị chát nhẹ mà dư vị lại ngòn ngọt nơi cổ họng, mùi hương thì vương vấn trong cái nâu vàng sóng sánh.
Ước gì quay lại ngày xưa
Để ta được hái buổi trưa
hương trời
Ai đã từng một lần thưởng thức ly nước lá ấy đều sẽ không thể quên được cái mùi vị không lẫn vào đâu giữa trăm thức uống. Nôn nao trong lòng bởi hương thơm trong màu sóng sánh, bởi cái bánh ú tro giòn sần sật, bởi các thành viên trong nhà quây quần cùng nhau để thưởng thức múi mít ngọt ngào, bởi con thằn lằn trốn biệt nơi mô, bởi cái oi nóng được xua tan trong tiếng cười rạng rỡ. Yêu lắm hương quê trong vị lá.
Phạm Thị Mỹ Liên