Hướng thiện bằng tình người

Thứ hai, 14/11/2022 18:15
60 năm qua (1962- 2022), Trại giam Kim Sơn (thuộc Bộ Công an, đóng ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đã cảm hóa thành công hàng nghìn người từng có ý định buông xuôi khi đối mặt với mức án cao giúp họ dần lấy lại tinh thần, yên tâm cải tạo, hướng thiện bằng sự cảm thông, chia sẻ và định hướng kịp thời.
Giáo dục dạy nghề tại Trại giam Kim Sơn.
Giáo dục dạy nghề tại Trại giam Kim Sơn.

Từng là phạm nhân cá biệt, phải điều chuyển từ nơi khác về Trại giam Kim Sơn, nhưng nay phạm nhân Nguyễn Ngọc Huệ (1979, thụ án 18 năm về tội cướp tài sản) đã được xếp loại cải tạo tốt. Phạm nhân Huệ cho biết: "Tôi vẫn nhớ như in lời cán bộ quản giáo nói khi tôi mới nhập trại Kim Sơn trong tâm thế chán nản, bất cần vì mức án cao. Anh ấy nói cuộc sống chưa bao giờ kết thúc nếu ta biết cố gắng. Mẹ cậu tuổi đã cao nhưng vẫn không ngại đường xa đến thăm, con gái lại còn quá nhỏ, nó cần cậu. Không chịu cải tạo thì biết bao giờ về… Cứ thế, những lời động viên, quan tâm chia sẻ từ cán bộ đã giúp tôi cố gắng hơn mỗi ngày".

Là cử nhân đại học và có việc làm ổn định, Đinh Thị Thu Thủy (ở thị xã An Nhơn, tình Bình Định) lại muốn có nhiều tiền hơn nên lao vào kinh doanh. Để có vốn, Thủy vay mượn của nhiều người, khi nợ lên tiền tỷ thì mất khả năng trả nợ. Vào trại với bản án 7 năm tù, được xếp lao động trong đội đan, khi dần quen với công việc, Thủy được bổ sung sang đội làm nông.

"Chưa từng làm nông, nên khi đó tôi chán nản và có ý xin sang đội khác, nhưng cán bộ Võ Thị Hồng Phương đã động viên rồi trực tiếp bày tôi cách cầm cuốc, làm cỏ. Cán bộ Phương động viên cái gì cũng phải học thì mới biết làm, phải biết chấp nhận và cố gắng để tự mình làm được mọi thứ. Những lời chân tình ấy như tiếp cho tôi sức mạnh, tôi càng quyết tâm cải tạo tốt, trau dồi thêm kỹ năng sống để khi về không lạc lối", Thủy nói.

Trong khi đó, phạm nhân Võ Công Đạo (trú H. Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, phạm tội cố ý gây thương tích) cảm thấy biết ơn Trại giam Kim Sơn vì nơi đây đã trang bị cho mình kỹ năng nghề. "Trước khi vào đây tôi không có nghề nghiệp gì. Được học nghề điện, khi được ra trại, tôi sẽ giúp đỡ gia đình bằng nghề này", anh Đạo nói.

Trại giam Kim Sơn đang quản lý, giáo dục phạm nhân nhiều thành phần; một số phạm nhân có biểu hiện chưa yên tâm học tập, lao động, cải tạo; ấp ủ nhiều thủ đoạn chống phá, trốn trại. Vì vậy, Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị luôn tăng cường công tác đấu tranh khai thác, nắm tình hình phạm nhân để thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn xử lý kịp thời các âm mưu, thủ đoạn chống phá, trốn trại, vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật.

"Mục tiêu đặt ra là tuyệt đối không để phạm nhân đưa điện thoại di động, ma túy vào trại, không có tình trạng phạm nhân cất giấu, sử dụng các đồ vật cấm khác để làm giảm tối đa các hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ, không để phát sinh các vụ việc đột xuất, bất ngờ hay xảy ra các vụ việc phạm nhân chống phá, trốn trại", Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ- Giám thị Trại giam Kim Sơn cho biết.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, trong công tác tiếp nhận, quản lý, cải tạo, giáo dục phạm nhân, cán bộ, quản giáo luôn xác định 2 nhiệm vụ chính là giáo dục về chính trị, tư tưởng, pháp luật và giáo dục thông qua lao động sản xuất. Vậy nên, ngoài việc chú trọng thực hiện đúng và đủ các chế độ chính sách đối với phạm nhân, Trại còn phân công cán bộ quản giáo thường xuyên gần gũi, chia sẻ để nắm bắt tâm tư, tình cảm cũng như kịp thời ngăn chặn những hành vi, suy nghĩ tiêu cực.

Để quản lý chặt phạm nhân, ngoài việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ Trại còn tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân, kết hợp với huyện Hoài Ân nơi đóng quân và các huyện lân cận thành cụm an ninh quốc phòng. Định kỳ hằng quý phối hợp với các hội, đoàn thể trợ giúp pháp lý, giới thiệu cách phòng, chống và cai nghiện ma túy, HIV/AIDS, tư vấn việc làm cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Tổ chức dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, phổ biến thông tin thời sự, chính sách pháp luật.

Nhờ đó, hằng năm tỷ lệ phạm nhân xếp loại cải tạo khá, tốt chiếm trên 90%; có 800 - 1.000 phạm nhân được xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Nhiều phạm nhân cải tạo tiến bộ được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, khi ra trại đã viết thư cảm ơn. Như trong lá thư của chị Trần Huỳnh Kim Cẩm (ở thị xã An Nhơn) có đoạn: "Khi biết tôi còn thiếu tiền để nộp khắc phục hậu quả, có cán bộ đã gặp tôi đề nghị cho mượn. Tôi không dám mượn, nhưng khi nghe cán bộ nói vậy thì rất vui. Sự chia sẻ, hỗ trợ khi mình khó khăn thật đáng quý".

K.A