Hướng tới Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII: Một lòng sắt son với Đảng

Thứ năm, 15/10/2020 19:21

Năm 1974, ông Nguyễn Văn Cần (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được chi bộ Đảng làng Ô Rây (H. Hiên, Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) kết nạp. Dưới cờ Đảng, ông thề sẽ trọn đời đi theo cách mạng... Bây giờ, mỗi khi nhắc đến Đảng ông luôn tự hào và biết ơn. Nhờ Đảng chỉ đường dẫn lối mà người Cơ Tu quê ông đều theo cách mạng, góp phần nhỏ bé vào công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Ông Cần tâm sự: "Biết rằng làm cách mạng là gian khổ nhưng bà con mình sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để theo Đảng đến cùng.

Người Cơ Tu H. Hòa Vang biểu diễn nghề dệt thổ cẩm, đan mây tre phục vụ khách tham quan.

Khi chia tách địa giới hành chính, một bộ phận người Cơ Tu vùng thấp được chuyển giao cho TP Đà Nẵng quản lý thì lúc đó, người dân mới không còn cám cảnh "du canh, du cư" nữa. Theo ông Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang), đời sống chúng tôi bây giờ đã thật sự khởi sắc. Cùng với chính sách đầu tư giáo dục có hiệu quả, chính quyền các cấp đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho học sinh người Cơ Tu tiếp cận với kiến thức văn hóa ở trình độ ngày càng cao và tự tin hơn khi hòa nhập với cộng đồng. Nối liền 2 thôn Tà Lang - Giàn Bí, nơi đồng bào Cơ Tu định cư là chiếc cầu bê-tông kiên cố, đường giao thông đã thuận lợi hơn. 100% hộ đồng bào Cơ Tu không còn ở nhà tạm, có điện thắp sáng, chữa bệnh miễn phí; mỗi thôn đều được xây dựng một nhà Gươl để lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Mạng lưới điện thoại, phát thanh, truyền hình đã đến từng nhà, giúp cho bà con tiếp cận với những phương tiện truyền thông. Dù vẫn còn khó khăn nhưng cái đói, thất học đã thật sự bị đẩy lùi. Người Cơ Tu biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm.

Được biết, trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ngoài việc được đầu tư xây mới cơ sở hạ tầng, phục dựng các lễ hội truyền thống của người dân miền núi, bà con Cơ Tu các thôn Phú Túc, Tà Lang và Giàn Bí còn được tập huấn kỹ thuật, khôi phục lại các làng nghề dệt thổ cẩm, đan mây tre, nấu rượu cần... mang đậm những dấu ấn núi rừng và thiên nhiên hoang dã của cha ông để lại. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, thể hiện qua thu nhập bình quân đầu người năm 2019 hơn 40 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng so với năm 2018), không còn hộ nghèo theo chuẩn NTM... Những nỗ lực đáng kể của các cấp chính quyền trong việc tạo dựng mối liên kết không chỉ đơn thuần về giao thông mà còn là sự phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội cho bà con dân tộc thiểu số. Kinh tế phát triển, chất lượng đời sống nâng cao, sinh kế đảm bảo và thế hệ tương lai được chăm sóc... như minh chứng một điều, cuộc sống của người Cơ Tu ở Hòa Vang đã đổi thay rất nhiều.

Có thể thấy, với người dân vùng cao, mỗi cánh rừng, ngọn núi, dòng sông nơi họ định cư đều hiện hữu sinh động và in đậm "ý Đảng - lòng dân". Đó là những câu chuyện kể về bao thế hệ người Cơ Tu đã hy sinh, bảo vệ cho các cơ sở cách mạng từ miền xuôi lên núi hoạt động và bây giờ lại vượt khó vươn lên thoát nghèo. Chính qua những thử thách ở tầm thời cuộc, càng khẳng định một lòng son sắt của đồng bào Cơ Tu với Đảng. Cũng bởi thế mà trong những câu chuyện mỗi khi có dịp gặp nhau, đến đâu chúng tôi cũng nghe họ bày tỏ tấm lòng ơn Đảng, Nhà nước với một tình cảm thiết tha, chân thành.

VY HẬU