Hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chung cho cộng đồng ASEAN
(Cadn.com.vn) - Sáng 14-5, tại Trường Đại học (ĐH) Duy Tân - Đà Nẵng diễn ra lễ khai mạc Cuộc họp thành viên lần thứ 4 Hội các trường ĐH và Cao đẳng (CĐ) thuộc khối ASEAN (P2A- đường đến ASEAN) với sự tham gia của lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ trong khu vực. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đến dự và phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết phát biểu tại hội nghị. |
P2A được thành lập từ năm 2012 với 5 thành viên sáng lập gồm: Đại học Rangsit - Thái Lan, Đại Học Duy Tân - Việt Nam, Đại học Norton - Campuchia, Đại học Quốc Gia Lào - Lào, Học viện Máy tính Myanmar - Myanmar và đến nay đã mở rộng ra gần 50 trường ĐH và CĐ trong khối ASEAN.
Mục đích lớn nhất cho sự ra đời của P2A là góp sức kết nối khu vực và nâng cao trách nhiệm giữa các trường ĐH và CĐ, hướng tới con người và xã hội nói chung cũng như tăng cường nguồn lực và khả năng đóng góp hướng tới cộng đồng ASEAN. Tham gia P2A, sinh viên (SV) các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ được hưởng những điều kiện dạy và học tốt nhất đồng thời được trang bị các kỹ năng bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, tôn trọng độc lập - chủ quyền, gìn giữ bản sắc dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, pháp luật cũng như các giá trị chung trên tinh thần thống nhất trong đa dạng sắc màu của các nước ASEAN.
Ông Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân chia sẻ, thế giới đang biến chuyển rất nhanh cùng toàn cầu hóa đã làm cho người ta gần lại bằng trí tuệ. Và trí tuệ là động lực chủ yếu của thế kỷ XXI, là nguồn phát triển không ngừng kết nối các trường ĐH lại với nhau và P2A đi theo mục đích đó. Chúng ta tạo nên một khối đoàn kết, thống nhất và hỗ trợ cho nhau về đào tạo, nghiên cứu và đặc biệt là tạo nên một khối đoàn kết, giữ vững ổn định, hòa bình của mỗi nước. Góp phần cùng xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra mắt vào ngày 21-12 tới.
Ông Jeroen G. Schedler - Đại học Rangsit - Thái Lan chia sẻ về quá trình vận động thành lập P2A. |
Ông Jeroen G. Schedler-Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế ĐH Rangsit, Trưởng Ban Thư ký P2A nhấn mạnh, chỉ còn hơn 231 ngày nữa là cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời, cùng với sự ra đời này là tác động đến nền kinh tế của tất cả các nước trong khối. Đối với khối giáo dục và ĐH thì điều đầu tiên chúng ta quan tâm là con người. Vì chúng ta có hiểu về văn hóa, con người của các nước khác thì mới có thể cùng nhau chung sống dưới một mái nhà.
Bên cạnh đó, việc hình thành khối sẽ tạo cơ sở cho việc tự do luân chuyển lao động, trong đó SV sau khi tốt nghiệp không chỉ tìm kiếm việc làm ở nước mình mà có thể đi tìm kiếm việc làm ở các nước khác trong khối ASEAN. Điều này có thể mở ra nhiều cơ hội cho SV nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, bởi nếu SV không được chuẩn bị, trang bị kiến thức đầy đủ về ngoại ngữ, hiểu biết về văn hóa, kinh tế, xã hội và con người của nước khác thì không thể tham gia tuyển dụng ở các thị trường ngoài nước.
Bà Lê Nguyễn Tuệ Hằng-Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân cho biết, để hỗ trợ SV tăng cường hiểu biết các nước trong khối, P2A tập trung vào 3 hoạt động chính đó là tạo ra thế giới ảo (ASEAN virtual tour) để SV tương tác với nhau, tìm hiểu về con người, văn hóa, khám phá vẻ đẹp 10 nước trong khối qua hoạt động du lịch trực tuyến để các em hỗ trợ nhau tăng thêm vốn hiểu biết tiếng Anh. Thứ 2 là ASEAN Games, nhằm tăng cường hiểu biết về lịch sử, văn hóa các nước trong khối qua trò chơi điện tử. Cuối cùng là khám phá và trải nghiệm các nước ASEAN thông qua ASEAN study tour với một mức giá rất thấp, đủ để SV có thể đi lại trong các nước mà không gặp bất cứ khó khăn nào.
Tìm kiếm việc làm ở các nước ASEAN sau khi tốt nghiệp là lợi thế của sinh viên các trường thuộc P2A. |
Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết đánh giá cao sáng kiến của các thành viên P2A và cho rằng đây là hoạt động có tính chiến lược khi vào cuối năm nay chúng ta sẽ thành lập khối cộng đồng kinh tế ASEAN. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, Đà Nẵng là TP động lực của khu vực miền Trung-Tây Nguyên Việt Nam, là cửa ngõ giao thông quan trọng trong khu vực và quốc tế. Với vị thế quan trọng đó, trong nhiều năm qua thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư về hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao trong đó có dịch vụ về giáo dục và đào tạo.
Chính nhờ đó, tốc độ tăng tưởng kinh tế bình quân trong 10 năm qua hơn 10%/năm, cao hơn gần 1,7 lần so với bình quân chung của cả nước. Kết quả trên cũng một phần nhờ sự đóng góp của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn, trong nước và các trường bạn trong khối. Việc thành lập P2A chính là bước chuẩn bị cho một thị trường nguồn nhân lực, tri thức được đào tạo không chỉ cung ứng cho thị trường của một nước mà là cho cả cộng đồng ASEAN. Đây cũng là cơ hội để chúng ta giao lưu, hiểu thêm về văn hóa của nhau để tiến tới hình thành cộng đồng trong tương lai.
Nguyễn Tuấn