Hướng tới xây dựng cộng đồng Đông Á do ASEAN làm động lực
Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 thừa nhận tầm quan trọng của ASEAN+3 trong việc duy trì và tăng cường hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở Đông Á.
Sáng 27-10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản lần thứ 24 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 (gồm ASEAN và 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) diễn ra ngày 27-10 theo hình thức trực tuyến đã ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ASEAN+3, hướng tới mục tiêu dài hạn xây dựng cộng đồng Đông Á do ASEAN làm động lực. Tuyên bố thừa nhận tầm quan trọng của ASEAN+3 trong việc duy trì và tăng cường hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở Đông Á; tái khẳng định cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia và giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.
ASEAN tái khẳng định giá trị của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) như một hướng dẫn cho sự can dự của ASEAN tại các khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời khuyến khích tăng cường và thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 trong các lĩnh vực ưu tiên được xác định trong AOIP, cụ thể là hợp tác hàng hải, kết nối, phát triển bền vững, kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khác, nhằm thúc đẩy sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, cũng như đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng tại khu vực.
Hội nghị tái khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác ASEAN+3 trong việc chống lại đại dịch COVID-19 trong khu vực và giảm thiểu các tác động kinh tế xã hội; ghi nhận sự hỗ trợ và đóng góp của ba nước đối tác đối với các nước thành viên ASEAN và các sáng kiến chống đại dịch của ASEAN; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác ASEAN+3 nhằm thúc đẩy sự phục hồi của khu vực hậu đại dịch. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ thương mại và đầu tư giữa ASEAN và ba nước đối tác.
Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ASEAN và ba nước đối tác đã đạt 875,1 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 32,9% tổng thương mại của ASEAN. Trong khi đó, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ ba nước đối tác này vào ASEAN đạt 22,0 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn FDI vào ASEAN. Hội nghị hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11-2020 và tái khẳng định cam kết xúc tiến các thủ tục trong từng nước để hiệp định này có hiệu lực vào đầu tháng 1-2022 theo đúng lịch trình, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp và người dân và góp phần giúp khu vực phục hồi hậu đại dịch.
Ghi nhận sự phụ thuộc ngày càng tăng của khu vực vào nền kinh tế kỹ thuật số trong thời kỳ đại dịch, Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết xác định các thách thức và cơ hội trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực đang chuẩn bị cho sự ra đời và tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) như một công cụ để thúc đẩy phục hồi kinh tế ASEAN+3. Hội nghị tái khẳng định cam kết thực hiện các lĩnh vực ưu tiên của hợp tác y tế ASEAN+3; và nhấn mạnh tầm quan trọng của giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự hiểu biết liên văn hóa và bản sắc ASEAN trong khu vực.
Hội nghị nhắc lại cam kết tăng cường hợp tác hướng tới phát triển bền vững, bao trùm và đổi mới; ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy sự phát triển bền vững và bình đẳng trong Cộng đồng ASEAN. Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 kêu gọi Myanmar thực hiện kịp thời và đầy đủ cam kết đối với Đồng thuận 5 điểm đạt được tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN vào ngày 24-4 vừa qua; tái khẳng định sự ủng hộ đối với giải pháp ngoại giao và đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
KHẢ ANH (Tổng hợp)