Hươu sao Hương Sơn mùa thu hoạch lộc nhung
Từ lâu, lộc nhung đã trở thành đặc sản đặc trưng của huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh). Người chăn nuôi hươu nơi đây luôn chú trọng trong việc lựa chọn con giống, nguồn thức ăn và điều kiện sống đảm bảo nên hươu đã cho những cặp lộc nhung hoàn hảo về ngoại hình lẫn giá trị bên trong, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Hươu sao đã được thuần hóa và nuôi dưỡng tại huyện Hương Sơn từ xa xưa. Nơi đây có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển đàn hươu sao. Người dân Hương Sơn có kinh nghiệm về chăm sóc, nuôi dưỡng nên đàn hươu trên địa bàn toàn huyện ngày một tăng cao.
Để có lộc nhung chất lượng thì con hươu cần được chăm sóc và khai thác đúng thời điểm. Hươu đực nuôi từ 3 năm trở lên mới bắt đầu tiến hành thu lộc nhung. Lộc nhung không được để quá già hoặc cắt quá non đều làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nhung còn non sẽ có ít dưỡng chất; ngược lại, nhung già sẽ hóa sừng, làm giảm đi các thành phần vitamin, khoáng chất bên trong. Hơn nữa, việc khai thác đúng thời điểm còn đảm bảo cho hươu lấy lại sức và tiếp tục cho lộc nhung đúng vào mùa vụ năm sau.
Mùa nhung năm nay, gia đình ông Bùi Kim Thắng (trú TDP 6, thị trấn Tây Sơn) có 3 con hươu đực cho lộc nhung. Ông Thắng cho biết, đã gắn bó với nghề nuôi hươu hơn 30 năm nay. Hiện gia đình đang nuôi 15 con hươu (cả hươu đực và hươu cái), và là một trong số ít hộ được chứng nhận đủ tiêu chuẩn cung cấp hươu giống. Mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng 150 - 200 triệu đồng từ việc cung cấp giống và thu hoạch lộc nhung. Ông Thắng cho hay, mùa lộc nhung năm ngoái nhờ chăm sóc tốt nên có con hươu đực cho cặp nhung nặng 2,8kg. Nhung hươu trên thị trường có giá bán khá ổn định, dao động từ 10 - 12 triệu đồng/kg.
Theo người dân nuôi hươu tại Hương Sơn, hươu sao thường cho nhung từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, những năm gần đây người chăn nuôi hươu đã chú trọng trong việc lựa chọn con giống nên sản lượng nhung ngày càng cao, một số con có thể cho 2 - 3 lứa nhung mỗi năm. Nhưng để có được cặp nhung vào vụ chính thì các hộ gia đình chăn nuôi hươu phải bổ sung, cải thiện chất lượng thức ăn ở từng giai đoạn để đàn hươu khỏe mạnh, nhung phát triển tốt.
Ông Phan Văn Đăng (trú xã Sơn Tiến) chia sẻ “bí kíp”: “Gia đình tôi đã nuôi hươu nhiều năm nay. Để có được cặp nhung đạt cả trọng lượng và chất lượng tốt thì cần phải đầu tư bài bản và chăm sóc cẩn thận, nhất là chế độ ăn. Thức ăn của hươu chủ yếu là bột ngô, gạo, sắn… Ngoài ra, tôi còn bổ sung cho hươu các loại thức ăn xanh như cỏ voi, lá ngô, lá mít và thường xuyên dọn dẹp, làm sạch chuồng trại để hươu có không gian phát triển tốt, đảm bảo sức khỏe”.
Chị Trần Thị Tuyến (xã Hàm Trường) cũng cho biết: Gia đình chị nuôi 20 con hươu, trong đó có 10 con đực, hiện có 4 con đang mọc nhung. Trong quá trình nuôi, gia đình chị luôn tuân theo quy tắc chăm hươu truyền thống để hươu khỏe mạnh, nhung phát triển. “Nhờ những nỗ lực chăm sóc nên mỗi năm gia đình tôi đều có một khoản thu nhập đáng kể. Số tiền này không chỉ giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống, mà còn là động lực để tiếp tục đầu tư, chăm sóc đàn hươu đón những mùa lộc mới”- chị Tuyến trải lòng.
Được biết, bên cạnh nuôi hươu lấy lộc nhung, nhiều gia đình nơi đây còn nuôi hươu sinh sản để bán hươu con, với giá 10 - 20 triệu đồng.
Hươu sao là loài vật nuôi chủ lực trên địa bàn huyện Hương Sơn. Nhung hươu Hương Sơn được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm từ nhung hươu được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao. Nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi hươu, nền kinh tế địa phương nơi đây đang có những bước tiến vượt bậc, mang lại cuộc sống sung túc cho người dân.
Ông Trần Quang Hòa - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp &Tài nguyên môi trường huyện Hương Sơn cho biết, tổng số đàn hươu trên địa bàn toàn huyện có 47.310 con, trong đó khoảng 22.350 con cho nhung với sản lượng ước tính hơn 19,9 tấn. Mùa lộc nhung năm nay, ước tính toàn huyện sẽ thu về hơn 223 tỷ đồng. Ngoài cách sử dụng truyền thống, những năm gần đây, người dân Hương Sơn đã chế biến nhiều sản phẩm khác từ hươu. Trong đó, có 19 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 và 4 sao. Các sản phẩm này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị của loài vật "đặc sản" này. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân chế biến sâu hơn nữa các sản phẩm từ hươu, đồng thời nâng hạng các sản phẩm OCOP hiện có. Mục tiêu là tạo ra các sản phẩm như thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng... từ hươu, từ đó gia tăng giá trị và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, ngành chăn nuôi hươu hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại cuộc sống sung túc và thịnh vượng cho mảnh đất miền sơn cước này.
X.Sơn