Huyền bí bảo vật Chămpa (Kỳ cuối: Những phát hiện mang tính lịch sử)
Đây là một công trình kiến trúc mới được biết đến bởi kiến trúc đã bị phá hủy từ lâu, đến nay đã bị vùi lấp bên dưới một lớp đất rừng bồi lấp khá dày. Công tác thăm dò khảo cổ mới chỉ được thực hiện trong một diện tích rất khiêm tốn, chỉ với 20 m2, do vậy chưa thể làm rõ niên đại cụ thể của di tích. Tuy nhiên, qua mối liên quan của phế tích đường dẫn với tháp K có thể bước đầu nhận định, đường dẫn có niên đại thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K.
"Tóm lại, kết quả đào thăm dò đợt này đã xác định có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII, mà lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến. Chúng tôi cho rằng, tính chất của con đường thể hiện đầy đủ nhất trong tên gọi là Con đường Hoàng gia - con đường dẫn để Thần linh - Vua chúa và Tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng Thánh địa Mỹ Sơn", TS Nguyễn Ngọc Quý - Viện Khảo cổ học nhìn nhận.
TS Nguyễn Ngọc Quý cũng cho biết thêm, kết quả thăm dò khảo cổ ở khu vực quanh tháp K đã làm phát lộ những vết tích của những công trình kiến trúc chưa từng được biết đến ở Mỹ Sơn trong lịch sử tồn tại của di tích từ trước đến nay. Việc nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc đường đi ở khu vực quanh tháp K nhằm làm rõ về sự hiện diện của Con đường Hoàng gia đi vào Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa là một việc làm rất cần thiết. Hoàn thành công việc sẽ đóng góp thêm những tư liệu mới góp phần nhận thức toàn diện hơn về không gian văn hóa - lịch sử - kiến trúc Mỹ Sơn. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần giúp Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phát huy tốt hơn giá trị lịch sử văn hóa di tích; tổ chức đưa đón du khách theo đúng con đường di sản người Chăm đã để lại, giúp du khách có cái nhìn rõ ràng hơn về Thánh địa Mỹ Sơn và văn hóa Chămpa trong lịch sử.
Tuy nhiên, đoàn khảo cổ cũng cho rằng, kết quả nghiên cứu cũng đặt ra một số vấn đề khoa học cần được tiếp tục giải quyết: Thứ nhất, dấu tích Con đường Hoàng gia đã được phát hiện, đoạn đường có thể xác định theo hố thăm dò dài trên 65m và xác định trên khảo sát điền dã dài trên 150m tính từ tháp K, nhưng nó kéo dài tới đâu và có hướng thẳng đến khu E - F như hiện nay chúng ta đoán định?
Thứ hai, niên đại con đường hiện đang được xác định sơ bộ vào khoảng thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K. Tuy nhiên, theo bia ký còn ghi lại, những ngôi tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ V; dấu tích kiến trúc sớm nhất còn lại là tháp F1 có niên đại cuối thế kỷ VIII. Vậy có khả năng tìm thấy dấu tích của một con đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn trước thế kỷ XII?
Nhằm tiếp tục làm rõ những "bí ẩn" trên, đoàn công tác kiến nghị các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương cần có kế hoạch tiếp tục khai quật nghiên cứu nhằm làm rõ một đoạn của Con đường Hoàng gia, đưa di tích này từ lòng đất Mỹ Sơn ra ánh sáng để du khách trong nước và quốc tế, những người quan tâm đến di sản văn hóa Chămpa nói chung và Mỹ Sơn nói riêng có thể có những hiểu biết cặn kẽ hơn về di tích.
Bên cạnh đó, trong tương lai xa hơn, cần có kế hoạch nghiên cứu, khai quật nghiên cứu tổng thể di tích Con đường Hoàng gia nhằm thu thập thêm tư liệu khoa học xác định đặc trưng và tính chất của di tích trong tổng thể Khu di tích Mỹ Sơn, từ đó có phương án trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cho phù hợp.
"Vì vậy, chúng tôi đề xuất Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn trình UBND huyện Duy Xuyên và các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt tiếp tục thực hiện nhiệm vụ "Thăm dò, khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía đông tháp K - Mỹ Sơn" trong năm 2023; đồng thời đồng ý chủ trương đầu tư Dự án "Khai quật nghiên cứu khảo cổ học kiến trúc Đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn" dự kiến thực hiện trong giai đoạn năm 2024 - 2026"- TS Nguyễn Ngọc Quý kiến nghị.
Bão Bình