Huyện miền núi Nam Giang tập trung đào tạo nguồn nhân lực “xuất ngoại” lao động
Theo ông Bh Nướch Hải - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ – TB & XH) huyện Nam Giang, hiện nay trên địa bàn có khoảng 20.200 người trong độ tuổi lao động với hơn 17.000 người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng lao động rất lớn, tuy nhiên điều kiện kinh tế của huyện còn khó khăn nên nhu cầu việc làm thường xuyên trên địa bàn rất ít, không thể đáp ứng đủ. Bên cạnh đó, đồng bào miền núi chậm về nhiều mặt như trình độ, năng lực, kỹ năng nên khi vào làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp thì không thể đáp ứng được. Sau một thời gian ngắn, nhiều lao động bỏ việc trở về địa phương. Ngoài ra, một số người còn có tâm lý e ngại, không muốn đi làm xa. Do đó, địa phương chú trọng tìm kiếm, kết nối các công việc phù hợp với phong tục, tập quán và trình độ của người dân hơn.
Đến năm 2022, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) có chương trình tuyển dụng lao động đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lào, trong đó ưu tiên cho lao động ở các huyện miền núi đã mở ra cơ hội cho Nam Giang. Khi tham gia, người lao động sẽ được đào tạo trong 3 tháng gồm 1 tháng học lý thuyết, 2 tháng trực tiếp thực hành ở nông trại bên Lào. Mọi chi phí đào tạo, đưa đón người lao động đều được miễn phí. Lúc đầu, việc vận động người dân đăng ký tham gia không hề dễ dàng. Nhiều người sợ đi làm xa, nhiều người sợ bị lừa khi qua nước ngoài. Vì vậy, chính quyền địa phương đã phải xuống từng thôn bản, đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Mưa dầm thấm đất, dần dần bà con cũng hiểu và bắt đầu đăng ký đi xuất khẩu lao động.
Theo thống kê của Phòng LĐ - TB & XH huyện Nam Giang, tính đến nay, huyện Nam Giang đã phối hợp với các cơ quan liên quan đưa được 152 người lao động ở tất cả 12 xã, thị trấn qua làm việc tại các nông trường trồng chuối ở Lào. Hầu hết, người lao động đều tiếp nhận công việc rất tốt và được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi xã hội. Mỗi tháng, tùy theo từng công việc, mỗi người được nhận mức lương trung bình từ 450 - 500 USD, thu nhập cao hơn, ổn định hơn rất nhiều so với đi làm thuê ở địa phương. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo nghề, người lao động phải cam kết làm việc cho công ty trong vòng 14 tháng. Những người có nguyện vọng muốn làm việc lâu dài, doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn. Một chế độ phúc lợi khác rất tốt là trừ những dịp lễ, Tết, trong quá trình làm việc, cứ trung bình 2 tháng, người lao động sẽ được nghỉ 8 ngày để về thăm gia đình. Hiện nay, có rất nhiều người dân đăng ký tham gia, có những trường hợp cả 2 vợ chồng cùng đi 1 đợt.
“Có thể nói, đây là chương trình thiết thực nhất, được bà con hưởng ứng nhất và hiệu quả nhất của huyện Nam Giang từ trước đến nay. Chương trình này sẽ kết thúc vào năm 2025 nên chúng tôi đang tranh thủ thời gian, mỗi năm chúng tôi sẽ phấn đấu đào tạo nghề và đưa khoảng 500 lao động qua làm việc tại nước bạn Lào”- ông Bh Nướch Hải phấn khởi chia sẻ.
Ông Phan Tiềm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco Quảng Nam (đơn vị đào tạo nghề) chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đang phối hợp với Phòng LĐ - TB & XH huyện Nam Giang tuyển đối tượng là những em đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm để bồi dưỡng ngắn hạn, sau đó bố trí các công việc như: văn thư, hành chính, kế toán, nhân sự, thủ kho. Đối với những em chưa qua đào tạo nghề, chúng tôi sẽ đưa về Trường Cao đẳng Thaco hoặc trung tâm đào tạo bên Lào để đào tạo các em trở thành kỹ thuật viên trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Nhu cầu của chúng tôi rất lớn, chỉ sợ địa phương không cung cấp đủ”.
Lê Vương