Huyện Phù Cát đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”

Thứ sáu, 13/09/2024 09:15

Ngày 12-9, tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định) đã diễn ra Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”.

Trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia" cho Đảng bộ, chính quyền huyện Phù Cát.
Trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia" cho Đảng bộ, chính quyền huyện Phù Cát.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo UBND tỉnh đã trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” cho Đảng bộ, chính quyền huyện Phù Cát. Đây là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thứ 5 (sau Võ cổ truyền, Hát bội, Bài chòi, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn) của tỉnh Bình Định được ghi danh.

Được biết, “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” có niên đại trên 200 năm. Toàn xã Cát Tường có khoảng 300 hộ tham gia sản xuất nón ngựa; trong đó, có khoảng 260 hộ thuộc thôn Phú Gia. Nón ngựa Phú Gia được xem là kiệt tác của nón lá khi gắn liền với hình ảnh uy nghiêm, mạnh mẽ của đội quân Tây Sơn thần tốc; là sản phẩm đặc trưng của văn hóa trang phục, có giá trị mỹ thuật cao. Ngày xưa, loại nón này chỉ dành riêng cho giới chức sắc và giới thượng lưu, quyền quý trong thời đại phong kiến với mẫu hoa văn “Long, lân, quy, phụng, đám mây, hoa sen...” nhìn cao sang, trang nhã. Khi nhìn vào hoa văn sẽ nhận biết được phẩm hàm của vị quan đang sử dụng nó.

Nón ngựa Phú Gia được làm thủ công, trải qua 10 công đoạn khác nhau từ tạo sườn đến thêu truyền, kết lá... Nón được kết thành 10 lớp với nguyên liệu là lá kè (lá cọ), ống giang (cật), rễ dứa... mọc tự nhiên trong rừng nên rất bền, chắc có thể đạt tuổi thọ 150-200 năm. Ngoài những chiếc nón ngựa truyền thống, làng nghề Phú Gia còn chế tác ra nhiều loại nón cách tân, một số nguyên liệu cũng được thay đổi cho phù hợp với xu hướng thị trường. Hiện nay, sản phẩm nón ngựa Phú Gia đã phủ khắp cả nước, làng nghề trở thành “điểm nhấn” du lịch của địa phương.

Làng nghề này đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Mỗi phiên chợ (5 ngày/phiên) có gần 1.000 nón ngựa được xuất bán. Đây chính là động lực để những nghệ nhân gắn bó, gìn giữ nghề lâu dài.

Phước Ngọc