Hy Lạp đã hết tiền!

Thứ năm, 07/05/2015 09:20

(Cadn.com.vn) - Khi nào Hy Lạp sẽ hết tiền? Câu hỏi này nhận được sự quan tâm của chính phủ các nước Châu Âu trong nhiều tháng qua. Hiện nay, chính phủ mới Athens và các chủ nợ Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) vẫn chưa thể đi đến quyết định chính thức về vấn đề nợ công của Hy Lạp. Hy Lạp vẫn phải xoay xở cho cả việc trả nợ nước ngoài, trả tiền lương và lương hưu trong nước. Nhưng điều tồi tệ nhất đối với hàng ngàn người dân, doanh nghiệp và các tổ chức do chính phủ trả lương là Hy Lạp thật sự đã hết tiền.

Hy Lạp không nhận được bất kỳ khoản vay nào từ Châu Âu và IMF kể từ tháng 8- 2014. Lẽ ra, Athens vẫn có thể nhận được 7,2 tỷ EUR (8 tỷ USD) trong chương trình cứu trợ tài chính, song các chủ nợ không chịu chi tiền nếu Athens không đáp ứng các yêu cầu cải cách sâu rộng hơn, cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

Tuy nhiên, chính phủ do đảng Syriza cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras lãnh đạo kể từ tháng 1, từ chối thực hiện biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Vì không nhận được các khoản vay từ các chủ nợ hoặc tiếp cận các thị trường trái phiếu quốc tế, do đó, cho đến nay, để đảm bảo nhu cầu tài chính của mình, Hy Lạp phải dùng các biện pháp bất thường và gây tranh cãi, bao gồm việc chuyển tiền mặt dự trữ của tổ chức công đến kho bạc trung ương.

Tuần trước, người về hưu không thể rút lương trong vài giờ. Ảnh: BBC

Trả lương trễ

Tuần trước, những người về hưu hốt hoảng nhận ra, họ không thể rút tiền từ máy ATM khi đến hạn mặc dù sau đó vài giờ, họ cũng rút được tiền. Trong khi chính phủ giải thích sự chậm trễ này là do "vấn đề kỹ thuật" thì những tin tức trên báo chí Hy Lạp và tờ Financial Times lại cho rằng, quỹ hưu trí của chính phủ đã "đấu tranh" đến phút cuối cùng để xoay xở đủ tiền trả lương hưu.

Còn đối với các lao động làm việc trong khu vực nhà nước, họ quá quen thuộc với việc bị trả lương trễ. "Cho đến gần đây, 2 tháng chúng tôi không được trả lương, và chẳng ai thông báo khi nào chúng tôi sẽ nhận được lương", một công chức cho biết. Cuộc khủng hoảng tiền mặt thậm chí còn xảy ra ở những cơ quan công nhạy cảm, như các bệnh viện. Một bác sĩ cho biết, chính phủ vẫn nợ họ hơn 4 tháng lương. "Tuần trước chúng tôi mới nhận được tiền lương của tháng 12 năm ngoái", bác sĩ này cho biết.

Trên thực tế, khủng hoảng tiền mặt của Hy Lạp lan rộng đến hầu hết các lĩnh vực, từ các nhà xuất bản sách cho đến các nhà thầu quân sự. Ngay cả các tập đoàn công nghiệp cũng đau đầu bởi tình trạng thiếu tiền, các khoản chi phí tăng và dòng tín dụng bị đóng băng.

Áp lực thời gian

Ông Theodore Fessas, Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp (SEV), đại diện cho các Cty từ hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Hy Lạp, cho biết, các doanh nghiệp đang trì hoãn đầu tư và chờ đợi một giải pháp của chính phủ.

"Sự không chắc chắn là vấn đề lớn nhất hiện nay. Nó đang đe dọa ngay cả những doanh nghiệp mạnh nhất - những doanh nghiệp bất chấp cuộc khủng hoảng vẫn trả lương và các khoản thuế đúng thời hạn, và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ", ông Fessas cho biết. Tình hình cấp bách không những tác động chính phủ Hy Lạp mà còn cả EU.

Nội các Athens hồi tuần trước bác bỏ những cải cách mới và tăng thuế - những yêu cầu cần có để thuyết phục các bộ trưởng tài chính Eurozone mở khóa các khoản vay tại cuộc họp vào ngày 11-5 tới. Các nhà phân tích cảnh báo, nếu không nhận được các khoản vay cứu trợ mới, Hy Lạp không thể có tiền để giải quyết các vấn đề trong nước.

Thời gian đang gây áp lực lên Athens khi EU công khai thừa nhận đã có kế hoạch tránh lây lan nếu Athens vỡ nợ hoặc rút khỏi đồng EUR. Tuyên bố này khiến người dân Hy Lạp lo lắng và sợ hãi.

An Bình
(Theo BBC)