Hy Lạp dốc sức với các chủ nợ
(Cadn.com.vn) - Hy Lạp đối mặt thời khắc cam go khi các nhà lãnh đạo Châu Âu nhóm họp thượng đỉnh khẩn cấp tại Brussels, Bỉ, với mục tiêu có thể phá vỡ thế bế tắc xung quanh cuộc khủng hoảng nợ của nước này.
Hy Lạp đang dốc sức cho việc đạt một thỏa thuận với các chủ nợ trước khi hết thời hạn chót vào ngày 30-6.
Để chứng tỏ thiện chí thỏa hiệp của mình, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras PM đã đưa ra các đề xuất mới về một “thỏa thuận cùng có lợi” nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ của nước này. AFP dẫn lời một quan chức Châu Âu cho biết, các đề xuất rõ ràng chứa đựng rất nhiều hứa hẹn, song không cho biết thông tin chi tiết. Athens hôm 22-6 tỏ ra rất lạc quan về vấn đề này. Theo AFP, khi trả lời câu hỏi liệu có thể đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban Châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay không, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis tuyên bố: “Chúng tôi đang đi đến một thỏa thuận”.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công |
Trên thực tế, theo người phát ngôn của EC Martin Selmayr, đề xuất của Thủ tướng Hy Lạp được Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, Giám đốc ECB Mario Draghi và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde chấp nhận. Giới phân tích cũng cho rằng, những đề xuất mới của Athens là cơ sở tốt để đi đến một kết quả khả quan tại Hội nghị Thượng đỉnh Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) diễn ra tối 22-6 (giờ địa phương) ở Brussels (Bỉ).
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tỏ ra đầy hoài nghi về một kết quả đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Người đứng đầu liên đảng bảo thủ thuộc Ủy ban Tài chính Quốc hội Đức Hans Michelbach (đảng CSU) cho rằng, kế hoạch cải cách mới nhất của Thủ tướng Hy Lạp khó có thể tạo được đột phá. Vì thế, theo ông, không có cơ hội thực sự để cuộc đàm phán ngày 22-6 đạt kết quả. Trên thực tế, hiện nay, nhiều chính trị gia hàng đầu của Đức yêu cầu ECB lập tức ngừng cứu trợ cho Hy Lạp khi cho rằng, việc cứu trợ khẩn cấp cho nước này sẽ chỉ khiến Athens tiếp tục chơi trò “câu giờ” với các đối tác đàm phán.
Hy Lạp phải trả nợ vào cuối tháng 6 hoặc có nguy cơ phải rời khỏi Eurozone và có thể là cả Liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về vấn đề của Hy Lạp vẫn bế tắc trong nhiều tháng qua. EC, IMF và ECB không sẵn sàng để mở khóa gói cứu trợ 7,2 tỷ EUR cho đến khi Hy Lạp đồng ý cải cách kinh tế.
Nếu không có một thỏa thuận, nếu người gửi tiếp tục rút tiền với tốc độ như hiện nay, các ngân hàng Hy Lạp sẽ sớm cạn kiệt nguồn tiền mà họ cần có để có thể cam kết với Ngân hàng Trung Ương về đề án hỗ trợ tín dụng Thanh khoản Khẩn cấp (ELA). Theo một nguồn tin, ECB ngày 22-6 tiếp tục nâng quỹ hỗ trợ ELA cho các ngân hàng của Hy Lạp, đồng thời cho biết có thể tiếp tục tăng quỹ này “vào bất kỳ thời điểm nào” nếu cần thiết. Đây là lần thứ 3 ECB quyết định nâng quỹ trên kể từ hôm 17-6. Nhưng nếu đàm phán cứu trợ tài chính sụp đổ, tất cả dường như sẽ sụp đổ theo. Thậm chí, ECB có thể cắt nguồn hỗ trợ nhỏ giọt ELA. Vì vậy, tất cả đang đổ dồn vào Hội nghị Thượng đỉnh Eurozone lần này, dự kiến sẽ kết thúc vào hôm nay (23-6, giờ Việt Nam).
Thời hạn chót cho Hy Lạp để trả nợ là ngày 30-6 - vậy tại sao mọi chú ý lại tập trung vào hội nghị ngày 22-6 này? Câu trả lời đơn giản là thời gian. Việc đạt một thỏa thuận và sắp xếp cách chuyển tiền là rất phức tạp – và chắc chắn không thể hoàn thành chỉ trong vài giờ. Về lý thuyết, nếu không có thỏa thuận nào đạt được sau ngày 22-6, vẫn còn một tuần để các bên có thể giải quyết mọi việc.
Khả Anh