Hy Lạp trước nguy cơ rời Eurozone
(Cadn.com.vn) - Hy Lạp cần giành được thỏa thuận với các chủ nợ là Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại cuộc họp với các nước trong Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) vào ngày 18-6 tới, nếu không muốn bị vỡ nợ.
AFP ngày 12-6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Panos Kammenos cho biết, một thỏa thuận “sẽ đến vào ngày 18-6 hoặc không bao giờ”. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nhà nước Alekos Flambouraris, phụ tá thân cận của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói với truyền hình nhà nước ERT: “Tôi hy vọng thỏa thuận đến sớm, vào ngày 18-6 khi Eurozone nhóm họp”. Hy Lạp cần 1,6 tỷ EUR (1,8 tỷ USD) để trả nợ cho IMF vào cuối tháng 6 này. Do đó, Athens cần kiếm được một thỏa thuận để mở khóa quỹ cứu trợ 7,2 tỷ EUR vào cuối tháng trước khi chương trình giải cứu của EU-IMF hiện tại hết hạn. Nếu không có tiền, Hy Lạp sẽ vỡ nợ và nguy cơ rời Eurozone hiện hữu trước mắt.
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras (phải) đang đứng trước áp lực phải nhượng bộ các chủ nợ |
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về vấn đề này giữa chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ, đã kéo dài hơn 5 tháng qua nhưng vẫn tồn tại nhiều bất đồng, nhất là về các mục tiêu ngân sách trong tương lai, cải cách kinh tế và doanh thu thuế. Sau các cuộc đàm phán mới nhất giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel - Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras kết thúc hôm 11-6, Athens vẫn tiếp tục khước từ các đề nghị của EU như việc tăng thuế giá trị gia tăng. Tòa án hành chính Hy Lạp thậm chí còn tuyên bố, việc cắt giảm lương hưu so với hiện nay là vi hiến.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và IMF buộc phải dừng trước thời hạn do giữa hai bên còn nhiều bất đồng sâu sắc. “Vẫn còn khác biệt lớn giữa chúng tôi trong hầu hết các lĩnh vực then chốt”, người phát ngôn của IMF Gerry Rice nói với các phóng viên ở Washington.
Những mâu thuẫn này khó giải quyết đến nỗi Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tính đến phương án Hy Lạp rời Eurozone. “Bà đầm thép” từ nhiều tháng nay luôn cố gắng để giữ Athens ở lại Eurozone. Nhưng vào lúc này, nhà lãnh đạo Đức cho rằng, nỗ lực đó là vô ích. Khi bộ ba Merkel-Hollande-Tsipras kết thúc đàm phán, bà Merkel cho biết thật sự không muốn nghĩ đến thực tế này nhưng theo bà việc Hy Lạp phá sản là điều khó tránh khỏi. Tại Berlin, theo các nguồn tin, việc Athens sẽ phải rời Eurozone sau 11 năm là vấn đề được bàn đến nhiều.
Tại Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử trước khi được bầu chọn hồi tháng 1. Ông tuyên bố sẽ kết thúc những con sóng của chính sách “thắt lưng buộc bụng” do chính phủ tiền nhiệm đưa ra theo yêu cầu của các chủ nợ. Nhưng ông cũng cần phải giữ đất nước ở lại Eurozone. Một cuộc thăm dò tuần này cho thấy, 77,4% người dân ủng hộ việc ở lại khu vực đồng tiền chung này. Nhưng các chủ nợ đang đòi hỏi Athens phải “thắt lưng buộc bụng” và bác bỏ công bố bất kỳ khoản viện trợ nào cho đến khi Athens chịu nhượng bộ.
Dù quyết tâm cứu Hy Lạp là không nhỏ, nhưng thời gian đang đếm ngược. Cơ hội cuối cùng cho Athens sẽ là ngày 18-6 tới khi các bộ trưởng tài chính Eurozone nhóm họp ở Brussels và đưa ra quyết định về trường hợp của nước này. Tia hy vọng cũng được nhen lên khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hôm 12-6 cho biết, các cuộc đàm phán bị đình trệ nợ giữa Athens và các chủ nợ sẽ sớm được khởi động lại. Tuy nhiên, ông cũng không lạc quan về một thỏa thuận “chấp nhận được” giữa hai bên.
Khả Anh