ICC đề nghị bắt giữ các lãnh đạo Israel và Hamas
Phạm tội ác chiến tranh ở Gaza
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN, công tố viên trưởng của ICC Karim Khan cho biết ông đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Ngoài ra, công tố viên ICC cũng xin lệnh bắt Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cũng như hai lãnh đạo hàng đầu khác của Hamas gồm Mohammed Diab Ibrahim al-Masri, lãnh đạo Lữ đoàn Al Qassem được biết đến nhiều hơn với tên gọi Mohammed Deif và Ismail Haniyeh, lãnh đạo chính trị của Hamas. Một hội đồng thẩm phán ICC sẽ xem xét đơn xin lệnh bắt giữ của công tố viên Karim Khan.
Theo ông Khan, các cáo buộc chống lại Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Gallant bao gồm "gây ra cuộc tàn sát, gây ra nạn đói như một biện pháp chiến tranh, từ chối cung cấp viện trợ nhân đạo, cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột". Các cáo buộc chống lại các thủ lĩnh Hamas bao gồm "tàn sát, giết người, bắt con tin, cưỡng bức và tấn công tình dục trong trại giam".
Nếu ICC chấp nhận đơn của công tố viên Khan và ban hành lệnh bắt giữ, thì bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng phải tuân thủ và hợp tác trong việc bắt giữ. Điều này đồng nghĩa với việc các cá nhân như ông Netanyahu và ông Gallant có thể bị hạn chế ra nước ngoài, kể cả các quốc gia đồng minh thân cận nhất với Israel như Đức và Anh.
Các bên đồng loạt lên tiếng
Các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã bác bỏ cáo buộc về tội ác chiến tranh và đại diện của cả hai bên chỉ trích quyết định của ông Khan.
Theo CNN, phản ứng trước động thái của ICC, Ngoại trưởng Israel Katz cho biết việc đặt Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant bên cạnh các thủ lĩnh Hamas là "nỗi ô nhục lịch sử không bao giờ quên". Ông Katz chỉ trích việc công tố viên ICC Khan xin lệnh bắt các lãnh đạo Israel là quyết định tai tiếng, "tấn công trực diện nhằm vào các nạn nhân vụ đột kích ngày 7-10-2023". Ông Katz dự định thảo luận với những người đồng cấp quốc tế để cùng phản đối lệnh bắt của công tố viên ICC, đồng thời vận động các nước ra tuyên bố rằng ngay cả khi ICC ban hành lệnh bắt quan chức Israel, họ cũng không tuân thủ.
Tổng thống Israel Isaac Herzog cũng chỉ trích nỗ lực của ICC là bằng chứng cho thấy "hệ thống tư pháp quốc tế có nguy cơ sụp đổ". Thủ tướng Israel Netanyahu cũng tuyên bố rằng: "Lệnh này nhằm mục đích chống lại những người lính Israel, những người đang chiến đấu với chủ nghĩa anh hùng tối cao chống lại Hamas".
Hamas cùng ngày cũng ra tuyên bố lên án mạnh mẽ việc công tố viên ICC xin lệnh bắt các thủ lĩnh của lực lượng này. Hamas gọi động thái của ông Khan là "đánh đồng nạn nhân với kẻ giết người". Trước đó, phát biểu với Reuters, ông Sami Abu Zuhri, một quan chức cấp cao của Hamas cho rằng động thái của ICC về việc bắt giữ 3 thủ lĩnh hàng đầu của Hamas "đánh đồng nạn nhân với kẻ hành quyết". Theo quan chức này, quyết định của ICC đã khuyến khích Israel tiếp tục "cuộc chiến hủy diệt" ở Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi bước đi pháp lý này là "thái quá", trong khi Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng nó có thể gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán về thỏa thuận con tin và lệnh ngừng bắn. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết, quốc hội Mỹ xem xét mọi phương án, gồm cả áp lệnh trừng phạt, sau khi công tố viên ICC xin lệnh bắt lãnh đạo Israel. "ICC không có thẩm quyền với Israel và Mỹ, toàn thế giới cần lên án những quyết định vô căn cứ và phi pháp do họ đưa ra. Các cơ quan hành chính quốc tế không được phép sử dụng chiến tranh pháp lý để lật đổ giới lãnh đạo các nước dân chủ đang tuân thủ thượng tôn pháp luật", ông Johnson ra thông cáo ngày 21-5.
THANH AN