Iran - Triều Tiên “bắt tay” thực hiện dự án tên lửa tầm xa

Thứ ba, 22/09/2020 17:00

Reuters dẫn nguồn một quan chức Mỹ giấu tên ngày 20-9 cho biết Iran và Triều Tiên đã nối lại dự án hợp tác tên lửa tầm xa, trong đó bao gồm việc chuyển giao các bộ phận quan trọng. Điều này khiến Mỹ không mấy hài lòng, nhất là khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần.

Mỹ không hài lòng khi Iran và Triều Tiên nối lại dự án hợp tác vũ khí.   Ảnh: Daily Star

Reuters đưa tin, dù quan chức Mỹ giấu tên không công bố cụ thể bằng chứng nhằm chứng minh tuyên bố trên, nhưng bình luận của ông này càng củng cố thêm cho những nghi ngờ về việc Triều Tiên tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân giữa lúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. “Iran và Triều Tiên đã nối lại mối quan hệ hợp tác trong dự án tên lửa tầm xa bao gồm chuyển giao các linh kiện quan trọng”, quan chức Mỹ cho biết hôm 20-9.

Trong tuyên bố, quan chức cấp cao Mỹ cho rằng Iran có thể đã đủ vật liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân vào cuối năm nay. Tuy nhiên, quan chức này từ chối cung cấp bằng chứng, hay tiết lộ thời gian dự án bắt đầu, tạm dừng và được tái khởi động.

Quan chức này tuyên bố Iran “rõ ràng đang làm mọi thứ” để “quay trở lại hoạt động kinh doanh vũ khí”, vì vậy, để đáp lại, chính quyền Trump sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới vào ngày 21-9, nhằm vào hơn 20 cá nhân và thực thể liên quan đến các hoạt động sản xuất hạt nhân, tên lửa và các chương trình vũ khí của Iran. Lệnh trừng phạt có hiệu lực vào ngày 21-9 cũng sẽ cho phép Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những ai mua hoặc bán vũ khí cho Iran, loại trừ họ khỏi thị trường Mỹ.

Triều Tiên vẫn sản xuất vũ khí

Thông tin về việc Iran và Triều Tiên bắt tay hợp tác phát triển vũ khí tầm xa được công bố giữa lúc Tổng thống Donald Trump không ngừng gia tăng sức ép với Iran ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.  Trong khi đó, Bình Nhưỡng từ lâu đã bị nghi ngờ hợp tác với Tehran trong việc phát triển tên lửa đạn đạo và công nghệ hạt nhân, với tin đồn rằng Iran dường như đã mua tên lửa của Triều Tiên từ nhiều thập kỷ trước. Những cáo buộc của Mỹ củng cố suy đoán về các hoạt động sản xuất vũ khí của Triều Tiên vẫn diễn ra mạnh mẽ bất chấp việc nước này gặp khó khăn về kinh tế do các lệnh trừng phạt quốc tế.

Những nỗ lực giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 vào tháng 2-2019 rơi vào bế tắc. nhiều nguồn tin nghi ngờ Triều Tiên có thể cho phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLMB), hoặc thử nghiệm các loại vũ khí khác nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên 10-10. Vũ khí được thử nghiệm trong sự kiện này có thể là vũ khí chiến lược mà Chủ tịch Kim Jong-un từng nhắc tới trong thông điệp đầu Năm mới. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho hay Nga không thu thập được bất cứ thông tin tình báo nào liên quan tới việc Triều Tiên chuẩn bị tiến hành phóng thử SLMB.

Mỹ tiếp tục mâu thuẫn với EU về Iran

Năm 2015, Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), theo đó Tehran cắt giảm hoạt động hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, vào tháng 5-2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía.

Từ tháng 5-2019, Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu uranium. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố vào ngày 4-9, lượng uranium làm giàu của Iran đã gấp hơn 10 lần mức giới hạn trong thỏa thuận.

Ngày 19-9 vừa qua, Mỹ tuyên bố tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ trước năm 2015 đối với Iran đã được khôi phục. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các lệnh trừng phạt được tái áp đặt theo cơ chế “phản hồi” trên cơ sở Nghị quyết số 2231 của HĐBA LHQ.

Phản ứng với động thái này của Mỹ, ngày 20-9, Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc nối lại các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran. Ông Borrell cho biết, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, do đó Washington “không thể khởi xướng quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt theo Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ”.

Theo Đại diện cấp cao EU, các cam kết về dỡ bỏ trừng phạt trong JCPOA, tiếp tục được áp dụng. Là điều phối viên của Ủy ban hỗn hợp JCPOA, EU cam kết tiếp tục đảm bảo việc duy trì và thực hiện đầy đủ JCPOA của Iran và các bên tham gia khác. Ông Borrell cho biết, EU coi thỏa thuận này là trụ cột chính của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tiếp tục thực thi thỏa thuận và kiềm chế “hành động có thể được coi là leo thang trong tình hình hiện tại”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lôi vấn đề ngăn chặn việc bán vũ khí cho Iran ra để phản ứng với động thái trên của EU, cho rằng: “Các thương vụ vũ khí, xe tăng, hệ thống phòng không, tất cả chúng, trong vài tuần, sẽ được cho phép để bán và Châu Âu không tham gia cùng chúng tôi trong vấn đề này”. Theo Ngoại trưởng Pompeo, mặc dù EU không muốn các thương vụ vũ khí xuất hiện trở lại, song “họ đã không cử động một ngón tay nào”.

Pháp, Đức và Anh hôm 19-9 cũng ban hành tuyên bố chung nói rằng, “thông báo có chủ đích” này của Washington “không có khả năng có bất kỳ hiệu lực pháp lý nào”, trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho hay, HĐBA không có bất kỳ hành động nào sẽ dẫn tới việc khôi phục các lệnh trừng phạt trước nhằm vào Iran. Khẳng định rằng, các lệnh trừng phạt LHQ nhằm vào Iran được khôi phục là “mơ tưởng”, Bộ Ngoại giao Nga cũng hối thúc Washington “phải có dũng khí để cuối cùng đối mặt với sự thật và ngừng tuyên bố nhân danh HĐBA”.

AN BÌNH