Iraq tìm kiếm chính phủ mới

Thứ năm, 03/07/2014 09:40

(Cadn.com.vn) - Giới lãnh đạo Iraq đang chịu áp lực sớm thành lập chính phủ mới để đối phó với làn sóng tấn công của các chiến binh Sunni sau khi phiên họp Quốc hội mới đầu tiên kết thúc trong bế tắc và hỗn loạn.

Các nghị sĩ người Sunni và người Kurd tẩy chay phiên họp Quốc hội mới sau khi phe Shiite không thống nhất về ứng cử viên thủ tướng thay thế ông Nuri al-Maliki, động thái phủ bóng đen lên hy vọng thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm cứu Iraq khỏi sự sụp đổ.

Lực lượng an ninh Peshmerga của người Kurd cắm cờ trên đường từ Kirkuk đến Tikrit,
đòi tự trị.  Ảnh: AFP

Theo AFP, chính nghị sĩ người Kurd Najiba Najib làm gián đoạn các nỗ lực lựa chọn thủ tướng mới khi kêu gọi chính phủ “chấm dứt phong tỏa” và chuyển ngân sách đã khấu trừ cho khu vực người Kurd tự trị. Kadhim al-Sayadi, một nghị sĩ Shiite hàng đầu của khối Maliki, phản ứng bằng cách đe dọa “nghiền nát đầu” người Kurd tự trị, đòn cảnh báo nhằm vào người Kurd vốn tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu độc lập trong vòng vài tháng tới. Một số nghị sĩ Sunni bỏ ra khỏi hội trường sau khi đề cập đến nhóm chiến binh người Sunni - Tổ chức Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) và sau đó không có nghị sĩ người Sunni và người Kurd nào trở lại cuộc họp.

Việc thành lập một chính phủ đoàn kết mới, tức là có thể tìm được người thay thế ông Maliki được cho là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa đến đàm phán hòa bình cho Iraq. Tuy nhiên, sự phân cực sâu sắc này nhanh chóng được phơi bày ngay trong phiên khai mạc Quốc hội mới, vốn được bầu hồi tháng 4. Ngoài ra, cái tên Maliki trở thành tâm điểm chỉ trích mạnh mẽ tại phiên họp vì tư tưởng “bài Sunni”. Trên thực tế, vị chính trị gia này trải qua một nhiệm kỳ thứ ba đầy nhọc nhằn. Cùng với những cuộc tấn công thánh chiến bùng nổ trong suốt thời gian qua, Thủ tướng người Shiite này còn bị cáo buộc mang chủ nghĩa bè phái và độc đoán. Nhiều người cho rằng, chính những chính sách quá thiên vị người Shiite của ông Maliki làm bùng nổ làn sóng tấn công của ISIS.

Nghị sĩ Mahdi Hafez - người chủ trì phiên họp đầu tiên này - cho biết, Quốc hội sẽ triệu tập lại vào ngày 8-7 tới nếu các nhà lãnh đạo có thể thống nhất về danh sách nhân sự cấp cao cho chức Thủ tướng, Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội. Theo một thỏa thuận trên thực tế, thủ tướng sẽ là người Shiite; Chủ tịch Quốc hội là người Sunni và Tổng thống là người Kurd. Tuy nhiên, bầu không khí hỗn loạn không dừng lại khi các nghị sĩ mới yêu cầu chính phủ ký thanh toán những lợi ích trọng yếu, bao gồm cả vũ khí và lực lượng bảo vệ, đặc quyền vốn khiến dân thường tức giận trong bối cảnh đất nước đang đấu tranh với nền kinh tế suy giảm.

Khi các nhà lãnh đạo chính trị Iraq vẫn đang loay hoay trong nỗ lực thành lập chính phủ mới, Mỹ tuyên bố, tỷ lệ người dân Iraq được tính đến trong chính phủ sẽ là nhân tố quan trọng để Nhà Trắng quyết định chính sách đối với nước này. Chính quyền Tổng thống Barack Obama - vốn đang nỗ lực thúc đẩy giải pháp chính trị hòa bình ở Iraq - cũng cảnh báo, “thời gian không đứng về phía Iraq”. Giới phân tích chính trị cũng lo ngại, chính quyền ông Maliki quá lãng phí thời gian vào việc thành lập chính phủ, tạo thời cơ cho phe ISIS tiến công mạnh mẽ hơn.

Hiện Lầu Năm Góc tiếp tục điều thêm quân đến Baghdad để củng cố lực lượng an ninh vốn được trang bị máy bay trực thăng tấn công Apache và máy bay giám sát không vũ trang cỡ nhỏ. Đội ngũ an ninh của Lầu Năm Góc sẽ tập trung vào việc bảo vệ các sân bay ở Baghdad cũng như đại sứ quán Mỹ. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey khẳng định, vai trò chủ chốt của các binh sĩ Mỹ là đánh giá khả năng phối hợp của lực lượng an ninh Iraq và liệu giới lãnh đạo quốc gia Vùng Vịnh có tự tin đảm nhiệm công việc hay không.

Mọi con mắt đổ dồn vào Thủ tướng Maliki – bởi chỉ có người thắt nút mới có thể gỡ nút mà thôi.

Khả Anh