Israel sẵn sàng đối đầu với Iran?

Thứ hai, 02/04/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu trấn an người dân Israel rằng, Tel Aviv có thể tấn công Iran nhưng sẽ hạn chế tối thiểu thương vong cho dân thường Israel trong trường hợp Tehran trả đũa.

Vì sao dân Israel không lo sợ chiến tranh?

Chính phủ Israel tuyên bố rằng, Iran không thể thực hiện một cuộc tấn công hiệu quả. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với nhận định của một chuyên gia hàng đầu người Israel về tên lửa của Iran và là người đứng đầu chương trình phòng thủ tên lửa của nước này trong gần một thập kỷ qua. Chuyên gia này cho rằng, tên lửa của Iran có khả năng gây thiệt hại đáng kể các mục tiêu của Israel.

Trong khi đó, người dân Israel lại không mấy lo lắng về khả năng chiến tranh với Iran. Nguyên nhân chính là do họ không nhận thức được nguy cơ các tên lửa Iran có thể phá hủy các khu vực lân cận của Israel, các mục tiêu kinh tế và hành chính quan trọng. “Đây không phải là mối bận tâm của người dân như họ đã từng lo ngại về các vụ đánh bom liều chết một thập kỷ trước”, Yossi Alpher, một chuyên gia tư vấn các vấn đề chiến lược và là cựu Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Tel Aviv, nói với Inter Press Service (IPS) trong một cuộc phỏng vấn. Ông Alpher cho rằng, một trong những lý do khiến người dân không nhận thức rộng rãi về hậu quả của cuộc chiến tranh với Iran có thể là do các kịch bản liên quan đến cuộc chiến là rất mơ hồ. Aluf Benn, Tổng biên tập của tờ Ha’aretz, trong một cuộc phỏng vấn với IPS lại cho rằng, một lý do khiến công chúng khá bình tĩnh về vấn đề này, chính là quan điểm của họ khi cho rằng khả năng trả đũa của Iran là “rất hạn chế”.

Nguy cơ chết người

Tuy nhiên, Uzi Rubin, người phụ trách hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel giai đoạn 1991-1999 và là người đứng đầu kế hoạch phát triển hệ thống chống tên lửa Arrow, có một cái nhìn ảm đạm hơn về khả năng một cuộc chiến với Iran.

“Đây là tin xấu cho Israel”, Rubin nói với IPS trong một cuộc phỏng vấn. Yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng trả đũa của Iran là tính chính xác cao của các tên lửa đạn đạo. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, Iran đã cải thiện tính chính xác của tên lửa từ vài mét lên đến vài ki-lô-mét. Cải thiện này sẽ cung cấp cho Iran các khả năng phá hủy các cơ sở hạ tầng, các trọng điểm kinh tế và các cơ quan hành chính của Israel. Ông Rubin cho rằng, hậu quả của cuộc tấn công tên lửa của Iran nhắm mục tiêu vào các cơ quan hành chính của Israel có thể còn nghiêm trọng hơn. “Nếu chính phủ dân sự sụp đổ, quân đội sẽ gặp khó khăn để tiến hành một cuộc chiến tranh”, ông Rubin nói. Ông Rubin thậm chí lo lắng rằng, nếu tính chính xác của tên lửa Iran được cải thiện hơn nữa, mà ông tin là “sẽ xảy ra”, Tehran có thể sẽ thực hiện các cuộc tấn công vào căn cứ không quân của Israel.

Hồi tháng 12-2008, trang Ynet News của Israel dẫn các nguồn tin tình báo phương Tây cho biết, Iran đưa vào sản xuất phiên bản cải tiến của tên lửa Shahab 3. Quốc gia Hồi giáo này được cho là có thể sản xuất 75 tên lửa loại này mỗi năm. Tướng Gabi Ashkenazi, tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hồi tháng 11-2009 cho rằng, Iran đã có 300 tên lửa có khả năng đánh các mục tiêu của Israel. Những báo cáo gần đây cho rằng, Tehran hiện có khoảng 450 tên lửa có thể vươn tới Israel, một nửa trong số đó là phiên bản đã được nâng cấp với độ chính xác lớn hơn nhiều. Ngay cả nếu chỉ có 1/5 số tên lửa này vượt qua được các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, thì Israel vẫn phải hứng chịu ít nhất 100 tên lửa, hầu hết trong số đó có thể đánh trúng các mục tiêu với độ chính xác cao.

Hệ thống đánh chặn

Một số nhà phân tích cho rằng, Israel có thể đánh chặn tên lửa của Iran trong một cuộc tấn công phủ đầu, nhưng ông Rubin cho biết, quốc gia Do Thái không thể đánh chặn các tên lửa của Tehran trước khi chúng được khởi động. Tên lửa tầm dài của Iran luôn luôn được đặt trên các bệ phóng di động (TELs).

 Một vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa “Arrow 3” của Israel. Ảnh: Rpdefense

“Lực lượng tên lửa của Iran là hoàn toàn di động, do đó, Israel không có khả năng đánh chặn”, ông Rubin nói. Ông Rubin cho biết hệ thống chống tên lửa Arrow của Israel chỉ có thể hạn chế số lượng tên lửa bay qua mà không có khả năng chặn chúng. Các số liệu thống kê cho thấy, hệ thống này có khả năng chặn hơn 80% số tên lửa trong các cuộc thử nghiệm trong những năm qua, nhưng ông lưu ý rằng điều này “không đảm bảo một tỷ lệ thành công tương tự trong khi chiến đấu thực sự”.

Mỹ và Israel năm 2009 đã bắt đầu phát triển một phiên bản mới của hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow có tên “Arrow 3”, nhằm đánh chặn tên lửa của Iran trên không và các khu vực cách xa lãnh thổ của Israel so với phiên bản trước đó. Hệ thống chống tên lửa mới này có thể thay đổi quỹ đạo của tên lửa phòng thủ và nhận diện các vật thể lạ từ xa. Tuy nhiên, hệ thống “Arrow 3” được cho là không thể hoạt động trước năm 2015. Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) xem kế hoạch này là quá tham vọng, bởi một hệ thống như vậy thường phải mất ít nhất một thập kỷ để triển khai. Trong khi đó, các quan chức lực lượng không quân Israel cho biết dự kiến “Arrow 3” sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2013, song khả năng bắn hạ tên lửa của hệ thống “Arrow 3” vẫn chưa được công bố.

Chính phủ Netanyahu đang tìm cách giảm thiểu mối đe dọa từ Iran giống như họ đã từng chiến đấu chống lại tên lửa của Hezbollah và Palestine trong những năm gần đây. Nhà bình luận Zvi Barel của tạp chí Ha’aretz nhận định: “Sau khi Hệ thống vòm sắt đã chứng minh hiệu quả ngăn chặn tới 95% các loại tên lửa tầm ngắn từ Gaza, người dân Israel hoàn toàn có thể tin tưởng rằng họ sẽ không bị tổn thương nghiêm trọng nếu Iran tấn công Israel”.

An Bình (Theo Asia Times)