Israel tấn công, Hamas được lợi?

Thứ ba, 15/07/2014 06:27

(Cadn.com.vn) - Sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế và bị mất vị thế chính trị, phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine hứa hẹn thu về nhiều lợi ích trong cuộc chiến mới nhất với Israel.

Bất chấp số dân thường Gaza thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel ngày càng tăng, cả Hamas và Tel Aviv vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ sẵn sàng ngừng bắn.

Quân đội Israel ngày 14-7 thậm chí tuyên bố bắn hạ một máy bay không người lái của Hamas. Đây là lần đầu tiên Tel Aviv đối phó với một vũ khí như vậy, động thái được cho là giáng đòn mạnh mẽ vào phong trào Hồi giáo của Palestine. Tuy nhiên, các vụ bắn tên lửa của nhóm chiến binh này vào sâu trong lãnh thổ Israel vẫn không sụt giảm. Trong khi đó, khả năng về chiến dịch quân sự trên bộ càng đến gần khi Tel Aviv quyết định tiếp tục huy động thêm binh sĩ đến khu vực biên giới với Gaza. Một quan chức cấp cao Israel nhận định, chắc chắn Hamas sẽ không đồng ý hạ vũ khí và Tel Aviv sẽ phải tấn công trên bộ.

Người dân rời nhà đến tị nạn tại một ngôi trường của LHQ ở Gaza. Ảnh: Reuters

Không có gì để mất

Ngọn lửa bạo lực gây tổn thất kinh hoàng cho người dân ở Gaza. Hơn 1.300 cuộc không kích giết gần 200 người Palestine, trong đó chủ yếu là dân thường. Gaza đang bị xé toạc. Hamas biết rõ điều đó nhưng họ không thể dừng lại vì đang ở thế yếu.

Kể từ khi phong trào Anh em Hồi giáo (MBO) ở Ai Cập bị lật đổ hồi năm ngoái, Hamas bị mất vị thế chính trị và cả kinh tế ở Gaza. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Hamas và chính quyền Cairo, bây giờ đặt dưới quyền của Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi, xấu đi đáng kể. Cairo phá hủy một cách có hệ thống các đường hầm giữa Gaza và bán đảo Sinai, trong khi cửa khẩu chính thức Rafah chủ yếu là đóng cửa. Tất cả khiến doanh thu từ buôn lậu của Hamas giảm đi đáng kể.

Ở mặt trận trong nước, Hamas -  nắm quyền cai trị Gaza trong 7 năm qua - gần đây ký thỏa thuận hòa giải với đối thủ Fatah ở Bờ Tây, khiến cho sức mạnh của phong trào này ở Gaza bị nới lỏng. Trong tình thế như vậy, cuộc xung đột hiện nay hứa hẹn mang lại lợi ích cho Hamas. “Những gì Hamas muốn từ cuộc chiến này là nhằm chứng tỏ họ vẫn có thể bảo vệ người dân”, nhà phân tích Akram Attallah nói với AFP. Theo chuyên gia chính trị Mukhaimer Abu Saada tại Trường Đại học Al-Azhar ở Gaza, Hamas không có gì để mất trong cuộc chiến này.

Vào thời điểm khi gần bị mất quyền lực, Hamas gặp khó khăn về tài chính do khủng hoảng kinh tế leo thang, khiến tổ chức này không thể trả tiền lương cho một nửa trong số 50.000 nhân viên. Nhưng cuộc xung đột này sẽ khiến dòng tiền viện trợ ồ ạt đổ vào Gaza, cho phép Hamas một lần nữa trở lại với vai trò truyền thống: “nhà cung cấp” cho 1,7 triệu cư dân Gaza. Và thậm chí đây có thể là cơ hội để Hamas bảo đảm chính sách nới lỏng 8 năm phong tỏa của Israel - bằng một thỏa thuận ngừng bắn.

Mặc dù nói về một thỏa thuận ngừng bắn bây giờ nghe có vẻ xa vời,  nhưng các thỏa thuận trước đây giữa hai bên đều có liên quan đến cam kết viện trợ lớn hơn và nới lỏng bao vây của Tel Aviv.

Hamas thắng, Tổng thống Abbas thua

Ngày 14-7, tình hình biên giới Israel với Lebanon và Syria trở nên căng thẳng sau khi quân đội Tel Aviv nã pháo qua biên giới 2 nước láng giềng nhằm đáp trả các vụ bắn rocket trước đó. Đây là lần thứ 3 diễn ra vụ tấn công tương tự kể từ khi Tel Aviv mở chiến dịch “Bảo vệ Biên giới” hôm 8-7 nhằm trả đũa các vụ tấn công tên lửa từ Hamas.

Giới phân tích cho rằng, bất cứ chiến thắng nào của Hamas từ cuộc chiến này đều sẽ là thành tích lớn, vượt trội. Và nó chắc chắn cũng có thể thúc đẩy vị thế của phong trào Hồi giáo này ở Palestine.

Và người ta cho rằng, người thua lớn nhất trong cuộc chiến này Tổng thống Palestine Mahmud Abbas. Bởi nếu chiến tranh kết thúc với thành tích chính trị cho Hamas, nhóm này sẽ có sức mạnh lớn hơn, cho thấy họ có thể đàm phán nhượng bộ từ Israel và cộng đồng quốc tế, không giống như ông Abbas. Cuộc xung đột cũng có thể buộc phải thiết lập lại quan hệ giữa Hamas và Ai Cập, hiện đang bị miễn cưỡng đẩy vào vai trò truyền thống: làm trung gian đàm phán chấm dứt chiến sự ở Gaza. “Hamas hy vọng, chiến tranh và đổ máu ở Gaza sẽ khiến Cairo gặp rắc rối, dẫn đến việc phải mở kênh thông tin cấp cao giữa hai bên”, chuyên gia Abu Saada cho biết.

Khả Anh