Kế hoạch nào cho vấn đề hạt nhân Iran?
(Cadn.com.vn) - Việc Iran vẫn giữ lập trường cứng nhắc đối với 2 yêu cầu lớn nhất của các cường quốc thế giới P5+1 khiến người ta đang phải tính đến “Kế hoạch B” cho bàn đàm phán hạt nhân lần này.
Sau gần 1 tuần đàm phán đầy căng thẳng, bàn đàm phán hạt nhân Iran vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu tiến triển nào khi Iran vẫn kiên quyết bác bỏ yêu cầu quan trọng nhất của nhóm P5+1: các thanh sát viên quốc tế được quyền kiểm tra đột xuất các cơ sở quân sự và hạt nhân của nước này.
Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano (trái) gặp gỡ Tổng thống Hassan Rouhani khi ông đến Iran từ ngày 2-7 để làm sáng tỏ một trong số những vấn đề gai góc liên quan tiến trình đàm phán hạt nhân. Ảnh: AP |
Iran bác quyền thanh tra đột xuất
Một nhà đàm phán cấp cao của Iran nói với các phóng viên AFP ở Vienna rằng, việc thực hiện đúng những quy tắc tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại các căn cứ hạt nhân của Iran đủ để đảm bảo rằng, chương trình của Tehran chỉ nhằm mục đích hòa bình. “Bất cứ điều gì vượt ra ngoài việc này sẽ là không công bằng”, ông nói. Theo RIA-Novosti, Nga cũng cùng quan điểm với Iran, cho rằng, quyền thanh tra bổ sung và bất ngờ các căn cứ quân sự và hạt nhân của Tehran là không cần thiết.
Tuy nhiên, Mỹ và một số nước khác muốn Iran có thêm bước đi quan trọng và thực tế hơn. Theo đó, IAEA được quyền xâm nhập các cơ sở hạt nhân mà Iran đã khai báo và không khai báo, đồng thời gửi các thông tin nhạy cảm đến khoảng 120 quốc gia khác. Tuy nhiên, lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, thẳng thừng bác bỏ quyền xâm nhập như vậy. Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ dành cho nghiên cứu và y tế. Họ muốn có một thỏa thuận để được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vốn đang làm tê liệt nền kinh tế. Quốc gia Hồi giáo đồng thời cảnh báo, nếu Mỹ và các nước khác tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt sau khi có một thỏa thuận chính thức, họ sẽ ngay lập tức gia tăng chương trình làm giàu uranium chế tạo bom hạt nhân.
Giới phân tích cho rằng, Iran hoàn toàn có thể quay trở lại chương trình hạt nhân như mong muốn. Thực tế, Tehran đang có nhiều lựa chọn, chẳng hạn như cài đặt các máy ly tâm mới, làm giàu uranium ở mức độ cao hơn hoặc khởi động lại các hoạt động với nguyên liệu có thể được sử dụng trong các đầu đạn hạt nhân mà họ cam kết không làm như vậy. Tuy nhiên, các quan chức cho biết, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không làm như thế nếu bàn đàm phán đang có dấu hiệu tiến triển.
Có chút tiến triển?
Phát biểu với báo giới tại Vienna, Áo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, các yếu tố cơ bản để đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran và Nhóm P5+1 đã được đáp ứng. Theo ông, các bên có thể sẽ đi đến một thỏa thuận tại các cuộc đàm phán cuối cùng. Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao cấp cao từ phái đoàn Iran cũng cho biết, các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng giữa Tehran và Nhóm P5+1 diễn ra tại Vienna có tín hiệu lạc quan.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh Philip Hammon cho biết, cuộc đàm phán hạt nhân Iran vẫn chưa có bước đột phá nào. Tại Vienna, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng cho biết: “Đã có một số tiến triển, nhưng chúng tôi vẫn chưa kết thúc đàm phán. Tôi quyết định quay lại Vienna vào tối 4-7”. Phát biểu khi kết thúc chuyến thăm quan trọng đến Iran hôm 3-7, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cũng khẳng định, các bên đạt “nhận thức chung đáng kể hơn” trong một số vấn đề song vẫn còn nhiều việc cần làm để đi đến một thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử.
Giới phân tích cho rằng, nỗ lực của tất cả các bên nhằm đạt được thành công là thật. Tuy nhiên, vấn đề là liệu tất cả các bên có còn đủ ý chí và can đảm vào thời điểm cuối cùng hay không. Hiện tại, hy vọng đặt vào bàn đàm phán lần này là rất cao. Mặc dù các vấn đề tranh cãi vẫn chưa được giải quyết, nhưng với ý chí chính trị từ các bên, người ta hy vọng, các khúc mắc sẽ được giải quyết.
Khả Anh